T7. Th11 23rd, 2024

Đền thờ Tiến sĩ Doãn Khuê (xã Nghĩa Thành)

  1. Đôi nét về đền thờ Doãn Khuê

 1.1.  Vị trí địa lý, lịch sử hình thành

Từ Nam Định qua cầu Đò Quan theo đường 55 tới nông trường Rạng Đông rẽ phải khoảng 3km là tới đền thờ Tiến sĩ Doãn Khuê thuộc xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Người có công đầu tiên cùng với các sĩ phu yêu nước khởi xướng mộ dân, khai hoang, lập ấp là cụ Đệ Tam Giáp Đồng tiến sỹ xuất thân Doãn Khuê. Doãn Khuê tự là Bảo Quang sinh năm Quý Dậu (1813) tại làng Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Vốn là người có tư chất thông minh từ nhỏ, được sự giúp đỡ của thầy dạy, khoa thi Đinh Dậu (1837) khi mới 24 tuổi Doãn Khuê đã đỗ cử nhân. Ngay năm sau khoa Mậu Tuất (1838) ông vào Huế dự kỳ thi hội. Kết quả kỳ thi không phụ tấm lòng của thầy, Doãn Khuê đỗ đệ tam giáp tiến sỹ xuất thân (đứng thứ tám). Cuộc đời, sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho đời sau về tinh thần yêu nước, thương dân, chăm lo cho tiền đồ dân tộc. Cả cuộc đời ông chuyên lo hành xử với việc đánh Pháp, đào tạo nhân tài, thau chua rửa mặn, cải tạo đồng đất ven biển khi làm Doanh điền xứ.

Tôn vinh bậc sĩ phu chân chính của thời đại là việc làm hợp với truyền thống, với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, chính vì vậy năm 1880, nhân dân xã Nghĩa Thành lập Đền thờ để tỏ lòng ngưỡng mộ và đời đời ghi nhớ, biết ơn công lao đức độ của ông với đất nước, với địa phương. Đền thờ Tiến sỹ Doãn Khuê là một di tích lịch sử văn hóa quý giá mà ông cha ta để lại như một sự tri ân, trả nghĩa với người mở đất năm nào. Tại đây ông được nhân dân tôn thờ với tư cách là Thần Hoàng Làng. Ngày 20 tháng 7 năm 1994 ngôi đền được Bộ Văn hóa –  Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, đó là bằng chứng ghi nhận công đức Danh nhân. Từ đó đến nay Đảng bộ, nhân dân xã Nghĩa Thành cùng với cán bộ, giáo viên và học sinh trường THCS Doãn Khuê thường xuyên phát tâm công đức sức người, sức của để trùng tu, tôn tạo, chăm sóc khu di tích ngày càng khang trang và cổ kính.

1.2. Nhân vật được thờ

Tiến sĩ Doãn Khuê tên tự là Bảo Quang, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1813 trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại Vũ Thư (Thái Bình). Thân phụ ông vốn là người thanh liêm, cương trực nên mặc dù học giỏi nhưng cụ vẫn không đi thi mà ở nhà dạy học.

Năm Doãn Khuê 11-12 tuổi thì cha mẹ lần lượt qua đời. Trước mất mát lớn lao ấy ông vẫn không sao nhãng việc học hành vì vậy khoa thi năm Mậu Tuất (1838) ông là một trong 8 người đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ (tên ông được ghi trên bia đá dựng tại Văn Miếu Huế).

Sau khi đỗ đạt ông được bổ chức: Hàn lâm viện biên tu. Ngay năm sau ông được thăng Tri phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Cuối năm 1842 ông được bổ chức Giáo thụ Xuân Trường. Nhậm chức chưa được bao lâu ông lấy cớ bệnh nặng cáo quan về nhà dạy học.

Năm 1854, Doãn Khuê được Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị cắt tặng cho vùng đất phía đông tại Sĩ Lâm thuộc bãi sa bồi bờ biển Đại An (còn gọi là ấp Một). Ông đã cùng con trai chiêu tập dân nghèo về đây khai hoang mở đất, xin miễn thuế cho dân rồi cho lập kho “nghĩa thương” giúp người nghèo đói.

Sau gần 20 năm vật lộn với thiên nhiên cải tạo đồng ruộng, đến năm 1872 cả một vùng đất trù phú như: Chí Thiện, Thư Điền, Tây Thành đã được hình thành. Công lao ấy trước tiên thuộc về Tiến sĩ Doãn Khuê, người khởi xướng và trực tiếp giúp dân khai hoang lấn biển, tạo dựng làng xã.

 Ngày 1 tháng 9 năm 1858 khi tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp nổ trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) thì ý tưởng cứu nước giúp dân của ông đã trở thành hành động cụ thể. Ông không ủng hộ việc triều đình nghị hòa với Pháp mà đứng hẳn về phe chủ chiến. Cũng trong thời gian này ông đã thay Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị giữ chức Đốc học Nam Định. Đối với Tiến sĩ Doãn Khuê, giữ chức Đốc học lúc này không chỉ góp phần đào tạo nhân tài mà ông còn đi khắp các huyện trong tỉnh cũng như một số tỉnh lân cận kêu gọi các sĩ phu yêu nước làm sớ tấu lên triều đình chém đầu 2 tên phản quốc đã ký hiệp định bán các tỉnh Nam Kỳ cho Pháp và xin đem quân tham gia chống Pháp giành lại các tỉnh này.

Với 40 năm làm quan, ông là người nổi tiếng khẳng khái, chính trực, đã 3 lần xin từ chức vì khuyên can vua và hiến kế chống Pháp mà không được chấp thuận. Ông đã lãnh đạo các sĩ phu, thân hào vùng Nam Định, Hưng Yên tổ chức lực lượng vũ trang chống Pháp khi chúng xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất. Nhiều học trò của ông cũng tham gia phong trào yêu nước chống thực dân một cách kiên cường, trong đó có Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích đã được ghi danh bằng một tên phố của Thủ đô Hà Nội.

Chính vì những công lao ấy, sau khi ông mất, người dân thôn Thư Điền, xã Nghĩa Thành đã lập đền thờ để các thế hệ sau mãi mãi tri ân.

 1.3.  Kiến trúc, điêu khắc

Ngôi đền nằm phía bắc thôn Thư Điền, xung quanh là cánh đồng lúa, bên cạnh là con đường giao thông rộng rãi nên việc đi lại hết sức thuận tiện. Hệ thống nghi môn đều có bốn cột đồng trụ được tạo gờ chỉ, giữa có câu đối nổi ca ngợi công lao của Tiến sĩ Doãn Khuê:

           Đánh Pháp trừ gian, yêu nước trung tâm ngời sử sách

          Dựng điền lập ấp, thương dân nghĩa khí sáng làng thôn.

Qua cổng vào đến một sân gạch rộng, bên phải là nhà giải vũ gồm 5 gian làm bằng gỗ chạm khắc đơn giản mái lợp ngói nam, đằng sau và hai đầu hồi xây bít đốc.

Đền thờ Tiến sĩ Doãn Khuê gồm 3 tòa xây liền nhau theo kết cấu “trùng thiềm”. Tòa tiền đường 5 gian, hệ thống cột vuông xây bằng gạch gánh đỡ toàn bộ vì kèo, xung quanh có tường bao với 5 cửa ra vào phía trước xây cuốn để thông với ngoài hiên.

Tòa trung đường và chính tẩm cũng xây tường chịu lực như tiền đường, trần xây cuốn vòm. Các cột trụ được xây nhô ra để đỡ hệ thống mái, mặt ngoài đắp nổi câu đối chữ Hán.

Tại đây hàng năm còn diễn ra những lễ hội truyền thống và sinh hoạt văn hóa dân gian. Ngoài hội xuân được tổ chức trọng thể quy mô lớn, vào những ngày sinh 15 tháng 10 cũng như ngày mất 2 tháng 10 của Tiến sĩ Doãn Khuê cũng được nhân dân tổ chức tế lễ trọng thể.

2. Lễ hội đền thờ Doãn Khuê ở xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

         2.1. Nguồn gốc ra đời lễ hội

Tiến sỹ Doãn Khuê đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân (đứng thứ tám). Năm 1863, khi làm Chánh sứ Hải phòng sứ (tức là Tư lệnh Biên phòng vùng duyên hải Bắc bộ) kiêm Đốc học Định An (tỉnh Nam Định và Hưng Yên) Ông đã  khuyến khích đấu tranh phản đối hòa ước giữa Triều đình ký với Pháp. Vì việc này mà Ông bị bãi chức Hải phòng sứ   và giáng xuống bốn cấp. Ông xin cáo bệnh từ quan nhưng năm 1867, Ông lại được đề cử làm Thương biện Hải phòng tỉnh Nam Định (tức là Đô đốc hải quân). Với uy tín từng là Đốc học Định An  và  Hải phòng sứ, Doãn Khuê đã có những hoạt động tích cực trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lấn thứ nhất. Ông cùng một số sỹ phu như Phạm Văn Nghị, Đỗ Mậu Kiến … tổ chức các đội nghĩa dũng và trực tiếp chỉ huy một số trận đánh góp phần tiêu hao lực lượng và đẩy lùi nhiều đợt tấn công bằng đường thủy của quân Pháp từ biển đánh vào và từ Hà Nội đánh xuống

Sáu mươi lăm tuổi đời, bốn chục năm làm quan, ông đã trải qua gần trọn bốn đời vua đầu triều nhà Nguyễn. Tiến sĩ Doãn Khuê đã dồn hết tâm nguyện cho việc canh tân đất nước. Nhưng hoạn lộ của ông cũng lắm chông gai chắc chở, với một lòng yêu nước, thương dân, tính tình ngay thẳng, ông đã mấy lần bị cách lưu, giáng chức, cao hơn nữa là miễn chức, có lúc phải từ quan, trước thực tế quan trường ức hiếp dân chúng, còn Triều đình thì làm ngơ, tự mình thấy có trách nhiệm nhưng bất lực. Nhưng cuối cùng dưới thời Tự Đức cũng đã ban phong thẻ bài Quý tự Hiếu Nghĩa.Sự nghiệp giáo dục của Tiến sỹ Doãn Khuê luôn được tôn vinh, đề cao. Ông là một thầy giáo đầy tâm huyết và trách nhiệm. Qua gia phả mới biết Doãn Khuê xuất thân từ một dòng họ có truyền thống dạy học. Trước ông đã có 8 đời làm nghề thầy giáo. Những năm cuối đời, Doãn Khuê dồn hết tâm lực vào công việc dạy học. Trong thời gian dài hơn 10 năm (1847 – 1857) Doãn Khuê đã trực tiếp đào tạo nhiều môn sinh có tài năng và nhân cách ra giúp dân, giúp nước. Đồng thời ông cùng con, cháu, các cố lão địa phương từng bước xây dựng quê hương ta trở thành một địa bàn nông nghiệp trù phú, giàu văn hiến.

         Để tưởng nhớ công ơn của tiến sĩ Doãn Khuê  nhân dân xã Nghĩa Thành đã lập đền thờ ông, hương khói phụng thờ hàng trăm năm nay với niềm kính trọng và biết ơn sâu sắc với một ông tổ đã khai phá, xây dựng nên mảnh đất trù phú này. Hàng năm cứ vào ngày 19  tháng Giêng nhân dân Nghĩa Thành lại tổ chức lễ hội ở đền thờ để tưởng nhớ người đã có công lao to lớn đối với mảnh đất quê hương.

2.2. Tiến trình lễ hội                                                                   

Lễ hội truyền thống đền thờ Doãn Khuê bao gồm phần lễ và phần hội đan xen vừa trang trọng, tôn nghiêm vừa rộn ràng. 

 2.2.1. Phần lễ

    Lễ mở cửa đền

Vào chiều 17  tháng Giêng hàng năm, các cụ cao niên, đại diện cho UBND xã và nhân dân tiến hành lễ mở cửa đền. Nội dung của phần lễ là dâng hương xin phép các vị thần để cho nhân dân dọn dẹp đền, chuẩn bị cho lễ hội và chứng giám cho lòng thành kính của nhân dân.

Nghi thức lễ mở cửa đền được bắt đầu với lễ mộc dục và cúng thức. Lễ mộc dục được một vị cao niên trong xã đảm nhiệm trong trang phục lễ hội truyền thống, đầu đội khăn xếp, quần trùng, áo dài, chân đi hài vân sảo, tất cả đều màu đỏ. Nước làm lễ mộc dục phải là nước mưa tinh khiết nấu với ngũ vị hương. Trước khi làm lễ, vị cao niên tiến hành rửa tay (gọi là quán tẩy), vẩy nước hoa vào người, xoa lên mặt, đầu và hai tay (gọi là tẩy uế). Sau khi làm lễ mộc dục cho cụ, các đồ mã cũ đem đốt, dâng đồ mới.

Lễ mộc dục xong là đến lễ cúng thức, ông chủ tế đọc chúc văn, nội dung ca ngợi công đức của cụ Doãn Khuê  đối với nhân dân miền hạ Nghĩa Hưng, cầu xin hồng ân của trời đất, phật, thánh, cụ  ban phúc lành cho quốc thái, dân an.

Lễ Kì An

Như thông lệ nhiều năm nay, chiều ngày 18 tháng Giêng tại đền thờ Doãn Khuê ở Nghĩa Thành – Nghĩa Hưng – Nam Định lại tổ chức lễ Phật cầu an cho toàn thể nhân dân miền hạ Nghĩa Hưng.

Đầu giờ chiều nhân dân cán bộ, lãnh đạo UBND xã Nghĩa Thành và một số xã lân cận trong vùng đã có mặt để chuẩn bị tham dự buổi lễ do nhà sư chủ trì. Mọi người đến để cầu mong an khang thịnh vượng cho đất nước; sám hối tội lỗi, dứt trừ nghiệp chướng, tránh mọi bệnh hoạn, tai họa, nghiệp báo, thành đạt và may mắn cho bản thân và nhất là để tỏ sự tưởng nhớ thành kính đến ông bà tổ tiên.

Chính hội

Khai hội được tổ chức vào ngày 19 tháng Giêng. Trong ngày hôm đó, diễn ra các hoạt động: Khai mạc lễ hội, lễ tế và dâng hương. Đặc biệt, lễ rước Thành Hoàng từ UBND xã Nghĩa Thành rước về đền thờ cụ Doãn Khuê. Tham gia đoàn rước có các đội cờ lễ, múa lân, múa rồng, Hội kèn đồng, Hội trống, bài vị, đội khiêng kiệu hoa, khiêng kiệu cụ Doãn Khuê. Lễ rước kiệu diễn ra trong tiếng nhạc bát âm dịu dàng, du dương, trầm bổng. Âm vang là những giai điệu hùng tráng của Hội kèn đồng, Hội trống. Kiệu cụ đi đến đâu, dân làng và du khách thập phương chen nhau chui qua gầm kiệu để nguyện cầu mọi ước muốn của họ sẽ thành hiện thực. Sau nghi lễ rước truyền thống đó, nhân dân, du khách tổ chức lễ dâng hương, lễ tế ôn lại cuộc đời và công lao của cụ Doãn Khuê đối với nhân dân địa phương và đất nước.

Điểm nổi bật trong lễ là phần tế do đội tế trong xã thực hiện. Lễ tế bao gồm 7 tuần: Dâng hương, dâng hoa, dâng đăng, dâng tửu, dâng trà, dâng quả và dâng thực.

                   Tiến trình lễ tế:

Tuần 1: Dâng hương

Xướng: 

          “Nam mô hiến phụng kiến

          Nam mô dâng phụng kiến

          Nam mô hương tiến cúng”

Họa:  Hiến hương

          “Ngày khách hội hai thôn thông báo

          Gió Đông về ngào ngạt mùi hương

          Nhân dân trăm họ dâng hương

          Thỉnh cầu cụ xót thương chứng đàn.

          Con quỳ dâng nén hương thơm

          Lạy xin đức thánh xót thương chứng đàn”.

Tuần 2: Dâng hoa

Xướng:

          Nam mô hoa phụng kiến

          Nam mô hoa tiến cúng

Họa:

          “Hoa thơm ngát con quỳ dâng lễ

          Cụ giáng thế chứng minh

          Long thành dâng đóa hoa xinh

          Thỉnh cầu cụ anh minh chứng đàn”.            

Tuần 3: Dâng đăng.

Xướng:

          “Nam mô đăng phụng kiến

Nam mô đăng tiến cúng”.

Họa:

          “Đuốc thiêng thành dâng lên cụ

          Ngọn đinh đăng soi thấu mười phương

          Biên quang tỏa ánh minh vương

          Cầu xin cụ xót thương chứng đàn”.

Tuần 4: Dâng tửu

Xướng:

          “Nam mô đăng phụng kiến

Nam mô đăng tiến cúng”.

Họa:

          “Rượu bạch liên mấy tuần sen cúc

          Tửu tam tuần tiền tiến trước kính dâng

          Dâng lên cụ ấm tam tuần

          Các đệ tử kính dâng lên ngự”.

Tuần 5: Dâng trà

Xướng:

          “Nam mô trà phụng kiến

  Nam mô trà tiến cúng”.

Họa:

          “Con cung kính dâng thảy trong thơm ngát

          Nhớ đến ngày bát nguyện hàm liên

          Chè ché ngọc xinh xinh

          Lạy xin cụ xót thương chứng tình”.

Tuần 6: Dâng quả

Xướng:

          “Nam mô trà phụng kiến

  Nam mô trà tiến cúng”.

Họa:

          “Quả tươi xanh đậm đà cung kính

          Con quỳ dâng thỉnh cụ

          Điểm minh phủ khắp gần xa

          Trừ tà sát quỷ muôn dân phụng thờ”.

Tuần 7: Dâng thực

Xướng:

          “Nam mô thực phụng kiến

           Nam mô thực tiến cúng”.

Họa:

          “Con cung kính dâng ngọc thực

          Vật trời ban thơm nức mùi hương

          Lạy xin cụ người thương

          Anh minh xin hãy độ lượng chứng cho lòng thành”.

2.2.2. Phần hội

Trong những ngày diễn ra lễ hội cùng với các hoạt động tế, lễ đặc sắc được bảo lưu từ hàng trăm năm nay thì phần hội diễn ra các hoạt động như: đánh cờ người, chơi đu, chọi gà, giải thế cờ, kéo co, leo cầu tre, đấu vật, trò chơi vừa chạy vừa sỏ kim… và các hoạt động văn nghệ khác.

Chơi cờ người

Chơi cờ người là thú vui của dân ta ngày xưa, thực chất là chơi cờ tướng. Đây là cuộc thử sức, thử tài, thử trí thông minh, nhạy bén của người chơi cờ. Ngày nay trò chơi này vẫn được lưu truyền và được người dân ở đây hưởng ứng rất đông, không chỉ các cụ già, mà cả thanh niên nam nữ cũng rất thích trò chơi này. Ở lễ hội, trò chơi đánh cờ người được mọi người hưởng ứng rất sôi nổi. Việc chọn người ngồi bàn cờ cũng được 88cân nhắc kĩ lưỡng, chọn người chơi phải đủ tiêu chuẩn, lại phải có hình thức để ngồi vào bàn cờ. Bàn cờ là một khoảng sân đất được kẻ bằng vôi trắng như bàn cờ tướng. Một bàn cờ người gồm 32 người (nữ tú) đóng quân đỏ, quân đen, tướng ông và tướng bà, mỗi quân cờ ngồi trên một chiêc ghế con, bên ngoài có một người đánh trống, một người phất cờ và hai đối thủ. Quân cờ làm bằng gỗ, có cán dài do các cô gái trẻ trong làng cầm, họ mặc quần áo chỉnh tề bằng sa tanh, áo dài thắt đai lưng xanh, đỏ (hai đội hai màu khác nhau), trên đầu đội mũ tượng trưng cho quân cờ như mũ rồng tướng ông, mũ phượng của tướng bà, mũ cánh chuồn của các con Sĩ, trên ngực áo của họ còn in chữ Nho. Các quân cờ Xe, Pháo, Mã được viết thành chữ trên mũ ống và trên ngực áo, các quân thì mặc quàn chẽn, áo thắt đai lưng như lính, ngực áo viết chữ Tốt bằng chữ Nho màu đen, màu đỏ. Từ vài hôm trước đã có cuộc thi chon tướng ông, tướng bà, người được chọn thường là hai cô gái xinh đẹp, nết na, thông minh nhất vùng, nhà không có tang trở. Mỗi bên bàn cờ đều có người đội khăn mỏ rìu, thắt lưng đai, đánh trống khẩu đi theo người chơi cờ. Thường các cuộc đấu diễn ra giữa các làng, xã với nhau chỉ một ván, giữa tứ xã sẽ chon ra đội nhất, kết cuộc được thông báo cho toàn dân biết, ngôi vị được lưu danh đến kỳ lễ hội năm sau.

Leo cầu ngô

Xưa người ta trồng ở phần nền đất vườn trụ tre vững trãi, giữa hai trụ nối với nhau bằng một đoạn tre trên đó để một cây Luồng thẳng dài khoảng 10m, nối dưới ao với một trụ vững trãi bằng một sợi dây để treo cây Luồng, ở đây có treo thưởng các phần quà khác nhau. Đây là trò chơi được các nam thanh đua nhau trổ tài, rất nhiều nam thanh rơi xuống nước ướt sũng khi chỉ cách phần quà trong một bước chân. Ngày nay để mọi người, mọi lứa tuổi đều được thể hiện tài năng khéo néo của mình Người ta trồng Cầu ngô trên một nền đất phẳng ở ngay cạnh miếu Tiên Công. Thi leo Cầu ngô rất hấp dẫn thanh niên nam nữ, mọi lứa tuổi đều được tham gia do vậy trong cuộc thi tiếng reo hò rất náo nhiệt.

Chọi gà

Đây là một hoạt động khá náo nhiệt trong hội, vùng tứ xã xưa kia có những gia đình nuôi gà chọi rất giỏi, họ chuyên cung cấp giống gà chọi cho ngày hội nên trò chọi gà ở đây diễn ra rất sôi nổi. Tham gia trò chơi này chủ yếu là đàn ông, nhưng cũng có khá nhiều nữ thanh niên cũng tham gia hưởng ứng và cổ vũ. Những người tham gia trò chọi gà cũng đánh cá cược được thua với nhau và điều luôn luôn hồi hộp với họ là không thể dự đoán hết được những may rủi có thể đến với những chú gà của họ. Vì vậy, đối với mọi người, chọi gà trong ngày hội là trò chơi hấp dẫn nhất và lý thú nhất.

Kéo co

Diễn ra khá sôi động bởi tiếng hò reo, trống thúc. Kéo co thường diễn ra giữa các đội đại diện cho các làng. Mỗi đội gồm 10 người, có cả nam và nữ.

Các hoạt động văn nghệ

 Sân đền diễn ra các tiết mục văn nghệ do chiếu chèo của địa phương biểu diễn các vở kịch như: “Nghĩa Hưng đất mẹ anh hùng”, “Quan âm Thị Kính”, “Phạm Công Cúc Hoa”, “Ông thuyền chài”,… các làn điệu quan họ, điệu chèo,…. Mặc dù là những nghệ sĩ không chuyên, thường ngày họ là những người nông dân  chân chất, thế nhưng khi đã hóa thân vào các nhân vật, họ lại trở thành những “nghệ sĩ” cống hiến hết mình phục vụ nhân dân.

         2.3.  Nét đặc trưng và ý nghĩa văn hóa truyền thống lễ hội đền thờ Doãn Khuê

Nghĩa Hưng là vùng đất nông nghiệp trồng lúa nước rộng lớn chính vì thế mà nhiều hoạt động, sinh hoạt nơi đây mang đậm tính chất văn hóa vùng đồng bằng được thể hiện đậm nét như: kéo co, leo cầu ngô, chơi cờ người, chọi gà,…

Những nghi thức trong lễ hội cũng mang đậm màu sắc “Tam giáo”: Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Những nghi thức của lễ hội được bảo tồn và phát triển mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc.

Điểm đặc biệt của nhân dân miền hạ Nghĩa Hưng là sự hòa hợp giữa các tôn giáo: Phật Giáo và Thiên chúa giáo. Trong lễ hội, tất cả nhân dân đều tham dự không phân biệt “lương – giáo” điều đó đã góp phần thể hiện rõ nét tính cố kết cộng đồng trong văn hõa làng xã Việt Nam.

Lễ hội đền thờ Doãn Khuê là dịp để nhân dân tưởng nhớ đến công lao của các vị tiền nhân đã có công khai phá vùng đất miền hạ Nghĩa Hưng. Đây là biểu hiện của nét đẹp văn hóa “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Mặt khác, những trò chơi, những nghi thức của lễ hội cũng đều mang đậm tính truyền thống. Lễ hội đền thờ Doãn Khuê đã góp phần làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là những nét văn hóa truyền thống của Lễ hội truyền thống 19 tháng Giêng hàng năm của địa phương xã Nghĩa Thành.

Từ khi ra đời đến nay, năm tháng qua đi biết bao đổi thay, biến cố, nhưng nhìn chung lễ hội này vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống cơ bản. Đặc biệt từ năm 1994 được công nhận là di tich cấp quốc gia, lễ hội đền thờ Doãn Khuê ngày càng được trú trọng và được nhân dân, du khách thập phương biết đến nhiều hơn, chính quyền xã, chính quyền huyện cũng quan tâm nhiều hơn cả về mặt tổ chức lễ hội và xin kinh phí, xin tài trợ.

Lễ hội luôn duy trì tổ chức mỗi năm một lần. Phần lễ vẫn đầy đủ các nghi thức, nghi lễ cúng tế, rước kiệu…trong không khí trang nghiêm và linh thiêng nhưng vẫn không thiếu phần sôi động, vui tươi trong phần hội  với nhiều tiết mục đặc sắc do các chiếu chèo địa phương thể hiện và một số trò chơi dân gian mang đậm văn hóa truyền thống như: kéo co, chọi gà, chơi cờ người…lễ hội vẫn gữi được nét đặc trưng văn hóa của mình và không bị biến tướng, ảnh hưởng từ bên ngoài.

Lễ hội luôn có sự tham gia đông đúc của nhân dân trong vùng và du khách thập phương, từ mọi lứa tuổi và mọi tầng lớp.

                                                                        Ban sưu tầm nghiathanh.namdinh.gov.vn

Liên hệ BLL Hội Đồng Hương