T3. Th12 3rd, 2024

Khái quát Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng

I- QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH MẢNH ĐẤT NGHĨA HƯNG

1- Đặc điểm địa lý- hành chính

Nghĩa Hưng là huyện ven biển nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Nam Định. Phía Bắc giáp sông Đào, bên kia sông là huyện Ý Yên và thành phố Nam Định. Phía Đông là sông Ninh Cơ giáp với huyện Trực Ninh và Hải Hậu. Phía Tây là sông Đáy, bên kia sông là huyện Kim Sơn và Yên Khánh của tỉnh Ninh Bình. Phía Nam và Tây Nam là biển Đông.

 

Huyện Nghĩa Hưng có diện tích tự nhiên 254,6km2 (25454,8ha). Địa hình Nghĩa Hưng bằng phẳng, thoải dần từ Bắc xuống Nam, 3/4 chu vi là sông lớn và biển bao bọc với 119 km đê ngăn lũ và đê biển. Chiều dài của huyện theo đường chim bay là 60 km. Chiều ngang của huyện, chỗ hẹp nhất (Đò Mười- Nghĩa Sơn) gần 1km, chỗ rộng nhất hơn 10km.

 

Diện tích đất nông nghiệp của huyện Nghĩa Hưng là 16.983,8ha, được chia làm 2 miền khá rõ rệt: vùng đất miền trung bao gồm các xã từ Nghĩa Đồng xuống đến Nghĩa Sơn là đất thịt pha cát; miền hạ từ Nghĩa Lạc xuống đến chân sóng là đất cát pha thịt, đất sa bồi phải cải tạo nhiều năm mới canh tác được.

 

Nghĩa Hưng có 12km bờ biển, chạy dọc theo bờ biển là hàng trăm héc ta cói, hàng nghìn héc ta sú vẹt, đầm nuôi trồng hải sản và 50 ha đồng muối.

 

Nghĩa Hưng có 2 con đường giao thông lớn là: đường 490C (đường 55 cũ) đi từ thành phố Nam Định chạy dọc theo chiều dài của huyện tới thị trấn Rạng Đông; Quốc lộ 37B (đường 56 cũ) chạy ngang huyện qua miền trung Nghĩa Hưng, qua thị trấn Liễu Đề, một đầu nối với quốc lộ 10 và một đầu nối với trục đường chính của huyện Hải Hậu.

 

Khí hậu Nghĩa Hưng chịu ảnh hưởng sâu sắc của khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm thoáng mát. Đất đai phì nhiêu màu mỡ, chế độ nhật triều là một ưu thế trong sản xuất nông nghiệp của huyện Nghĩa Hưng.

 

2- Quá trình hình thành mảnh đất Nghĩa Hưng

 

Nghĩa Hưng vốn là tên phủ được đổi vào đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470- 1497). Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833) tách làm hai, đặt thêm phân phủ Nghĩa Hưng (phủ Nghĩa Hưng gồm hai huyện Đại An và Thiên Bản, phân phủ Nghĩa Hưng gồm hai huyện Ý Yên và Phong Doanh).

 

Vùng đất huyện Nghĩa Hưng ngày nay là một trong số bốn huyện của phủ Nghĩa Hưng xưa. Sau cách mạng tháng 8/1945, ngày 25/3/1948 Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã quyết định đổi phủ Nghĩa Hưng thành huyện Nghĩa Hưng. Hiện nay, huyện Nghĩa Hưng có 25 đơn vị hành chính gồm 22 xã: Nghĩa Đồng, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Minh, Nghĩa Châu, Hoàng Nam, Nghĩa Thái, Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong, Nghĩa Phú, Nghĩa Bình, Nghĩa Tân, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm, Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc, Nam Điền và 3 thị trấn Liễu Đề, Rạng Đông, Quỹ Nhất với 343 khu dân cư, thôn, xóm.

 

3- Đặc điểm dân cư, văn hoá và truyền thống đấu tranh

 

Đến năm 2014, dân số Nghĩa Hưng có 179.473 người, đồng bào theo hai tôn giáo chính là Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Mật độ dân số bình quân 705 người/km2. Nghề sống chính của nhân dân Nghĩa Hưng là trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi gia súc gia cầm và làm một số ngành nghề khác như: đánh bắt nuôi trồng thuỷ hải sản, trồng dâu nuôi tằm, dệt chiếu, đan manh… Một số nghề thủ công cổ truyền nổi tiếng khắp vùng như làm nón (Nghĩa Châu), dệt chiếu ở Liêu Hải (Nghĩa Trung), Tân Liêu (Nghĩa Sơn), nuôi cá bột ở Hoàng Nam, Nghĩa Thái…

 

Cộng đồng cư dân Nghĩa Hưng là sự hội tụ của dân cư nhiều địa phương khác nhau, mang nhiều đặc trưng văn hoá điển hình của dân tộc Việt. Văn hoá ở Nghĩa Hưng là sự đan xen, hoà quyện của tín ngưỡng dân gian, tục thờ cúng ông bà tổ tiên, tôn vinh những người có công với nước, những danh nhân văn hoá với giáo lý và sinh hoạt tôn giáo. Toàn huyện có 124 nhà thờ của đạo Công giáo, trong đó có 27 nhà thờ xứ; 59 ngôi chùa của Phật giáo, 50 đền thờ các anh hùng dân tộc và 152 miếu, phủ. Đến nay, huyện đã có 29 công trình tín ngưỡng tôn giáo được Nhà nước, tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hoá.

 

II- CHI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN THÀNH LẬP VÀ LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO CÁCH MẠNG 1930-1945

 

Tháng 3/1929, trên cơ sở tiếp thu chủ trương của tỉnh bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội Nam Định, đồng chí Vũ Trọng Soạn đã cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Uý, Phạm Thế Nhàn tổ chức thành lập chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội của huyện Nghĩa Hưng. Đến cuối năm 1929, chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Nghĩa Hưng được thành lập, gồm 13 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn Ry làm bí thư. Hội nghị thành lập chi bộ được tổ chức tại chùa Phúc Chỉ (nay thuộc xã Yên Thắng- huyện Ý Yên).

 

Đến tháng 6/1945, toàn huyện có 32 đảng viên sinh hoạt trong 2 chi bộ: chi bộ miền thượng Nghĩa Hưng có 26 đảng viên do đồng chí Nguyễn Trọng Hợp phụ trách; chi bộ miền trung, hạ Nghĩa Hưng có 6 đảng viên do đồng chí Việt Hùng phụ trách. Dưới sự lãnh đạo của 2 chi bộ Đảng và sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh huyện nên các cơ sở Việt Minh đã phát triển rộng khắp 3 miền của huyện. Đầu tháng 8/1945, đội vũ trang tuyên truyền của huyện được thành lập gồm 27 người do ông Vũ Quốc Khanh- chủ nhiệm Việt Minh huyện chỉ huy.

 

Sáng ngày 20/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn huyện. Ngày 21/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Nghĩa Hưng đã hoàn toàn thắng lợi. Uỷ ban khởi nghĩa đã bầu ra chính quyền cách mạng lâm thời do ông Trần Ngọc Hiệp làm Chủ tịch. Đồng chí Nguyễn Trọng Hợp – Bí thư chi bộ miền thượng- làm Phó chủ tịch. Đến ngày 25/8/1945, toàn bộ các xã trong huyện đã giành được chính quyền và thành lập được chính quyền cách mạng lâm thời.

 

III- ĐẢNG BỘ HUYỆN NGHĨA HƯNG LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP GIÀNH THẮNG LỢI (1945 – 1954)

 

1- Khắc phục hậu quả của chế độ cũ, bước đầu xây dựng xã hội mới

 

Hậu quả chế độ cũ để lại rất nặng nề: nền kinh tế kiệt quệ, đời sống nhân dân vô cùng cơ cực, trên 95% người dân mù chữ; các thế lực thù địch ra sức hành động chống phá cách mạng.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi “diệt giặc đói” và phong trào “Hũ gạo cứu đói” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, nhân dân Nghĩa Hưng đã tích cực tham gia. Đợt quyên góp từ tháng 9/1945 đến tháng 3/1946, toàn huyện đã góp được 12 tấn gạo để giúp cho gần 1.000 hộ bị đói.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi “diệt giặc dốt” của Hồ Chủ tịch, huyện đã phát động phong trào “Người người đi học, nhà nhà đi học” và thành lập “Ban bình dân học vụ”, thu hút được đông đảo nhân dân cả lương lẫn giáo trong huyện tham gia, kể cả một số nhà sư, linh mục tiến bộ. Nhờ vậy mà việc thanh toán nạn mù chữ ở Nghĩa Hưng đạt được kết quả tốt, tính đến tháng 3/1946, toàn huyện đã có hàng chục nghìn người biết đọc, biết viết.

 

Các nếp sống văn hoá mới trong việc cưới xin, ma chay, các hoạt động văn hoá, văn nghệ từng bước được tuyên truyền hướng dẫn thực hiện theo hướng văn minh, tiến bộ.

 

Ngày 6/1/1946, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Nghĩa Hưng đã nô nức đi bầu cử Quốc hội khoá I. Ngày 20/1/1946, cuộc bầu cử hội đồng nhân dân tỉnh được tiến hành, hơn 90% cử tri Nghĩa Hưng đã đi bỏ phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ cao quý, thiêng liêng của mình.

 

 Đến tháng 3/1946, cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân huyện, xã được tiến hành. Sau đó, Uỷ ban hành chính các xã cũng được kiện toàn gồm nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên ưu tú tham gia. Đây là hệ thống chính quyền chính thức thay thế vai trò của chính quyền lâm thời được thành lập sau cách mạng.

 

2- Xây dựng hậu phương vững chắc, chi viện cho tiền tuyến, sẵn sàng kháng chiến (19/12/1946-10/1949)

 

Tháng 4/1947, Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng được thành lập. Đến tháng 10/1947, tại nhà đồng chí Ấp thôn Thành An, xã Hồng Phong, (nay là xã Nghĩa Phong) Huyện uỷ lâm thời đã tổ chức Đại hội nhằm kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Đảng. Đây là đại hội đầu tiên của Huyện uỷ Nghĩa Hưng. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành chính thức do đồng chí Lê Điền (tức Đỗ Huy Định) làm Bí thư.

 

Huyện uỷ đã phát động phong trào thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm, khai hoang phục hoá, cải tạo đồng ruộng và phát triển ngành nghề phụ. Do vậy, năng suất lúa của năm 1948 cao hơn 15% so với năm 1939 là năm lúa tốt nhất trước cách mạng. Đời sống nhân dân trong huyện dần dần ổn định và có phần cải thiện.

 

Trong phong trào “Mùa đông binh sĩ”, toàn huyện đã ủng hộ được 100 chăn, 261 áo trấn thủ, 118 vạn đồng. Các thôn Ân Phú, Văn Giáo (Nghĩa Hải, Nghĩa Hùng) tham gia tích cực nhất được Bác Hồ gửi thư khen.

 

Việc xoá nạn mù chữ và giáo dục phổ thông có bước phát triển mới. Đến đầu năm 1948, toàn huyện đã có 4 vạn người thoát nạn mù chữ, bằng 50% dân số. Toàn huyện có 18 trường phổ thông cấp I với 4.000 học sinh. Phong trào xoá nạn mù chữ và giáo dục phổ thông Nghĩa Hưng được xếp thứ 3 toàn tỉnh.

 

Sau khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ và thành phố Nam Định bị địch chiếm đóng, Nghĩa Hưng đã chỉ đạo các xã trong huyện tiến hành “tiêu thổ kháng chiến”. Nhân dân thôn Hải Lạng xã Vĩnh Thịnh (nay là Nghĩa Thịnh) đã phá 5 gian tiền đường đình chính, dỡ bỏ gác chuông chùa Hải Lạng, 21 nhà 2 tầng để chuẩn bị kháng chiến. Hành động cách mạng này đã được Bác Hồ đã gửi thư khen vào tháng 3/1948.

 

Tháng 4/1947, Huyện đội được thành lập sau đó là các xã đội. Đến tháng 11/1948, huyện đã có một trung đội bộ đội thường trực chiến đấu với 48 người, du kích toàn huyện có tới 11.000 đội viên.

 

3- Cuộc chiến đấu chống ách chiếm đóng của địch, giải phóng quê hương (10/1949- 1954)

 

Trung tuần tháng 10/1949, Pháp tập trung 3 binh đoàn cơ động mở cuộc hành quân mang tên Ăng-tơ-ra-xit đánh vào Nam Định và Ninh Bình. Ngày 17/10, từ sông Đào, quân Pháp đổ bộ chiếm đóng, lập bốt ở Phù Sa Thượng (Hoàng Nam), Hải Lạng (Nghĩa Thịnh), Đống Cao (Yên Phúc), Phạm Xá, Vĩnh Trị.

 

Ngày 10/11/1949, chúng tổ chức nhiều mũi đánh chiếm toàn huyện Nghĩa Hưng, lực lượng của ta phải phân tán ra nhiều nơi để đối phó. Các đảng viên, cán bộ và lực lượng vũ trang ở miền hạ, một phần rút lên miền thượng, một phần phải dùng thuyền, bè vượt biển vào Thanh Hoá. Ngày 25/11/1949, địch đã chiếm được những vị trí xung yếu ở miền hạ, một phần miền trung và thiết lập bộ máy thống trị tay sai ở hầu hết các xã. Chúng thực hiện chính sách chia để trị, cắt các xã từ nam đường Đen trở xuống đến chân sóng thuộc quận Lạc Đạo, tỉnh “Bùi Chu công giáo tự trị”, các xã từ bắc đường Đen trở lên thuộc khu vực cai trị của ngụy quyền Bắc phần.

 

Tháng 2/1950, Huyện uỷ Nghĩa Hưng đã họp rút kinh nghiệm và đề ra chủ trương lãnh đạo nhân dân kiên quyết đấu tranh, không lập tề, quyết tâm đánh địch đến cùng, quyết rào làng kháng chiến, xây dựng khu du kích liên hoàn để đánh địch. Mỗi xã có một trung đội từ 40 đến 50 người. Các thôn đều có các tiểu đội du kích từ 20 đến 25 người và có 3 đơn vị vũ trang là B110, B45 và trung đội vũ trang tuyên truyền.

 

Vừa phá ngụy quyền, ta vừa củng cố chính quyền cách mạng và các tổ chức quần chúng, tích cực vận động giáo dân tham gia các đoàn thể kháng chiến, ủng hộ kháng chiến. Điển hình cho cuộc chiến đấu của quân và dân Nghĩa Hưng trong giai đoạn này là công cuộc rào làng kháng chiến của nhân dân Đồng Nguyên.

 

Đến ngày 28/2/1952, cùng với sự hỗ trợ lực lượng của Trung đoàn 52, Đại đoàn 320, quân và dân Nghĩa Hưng đã xoá bỏ được bộ máy ngụy quyền của địch trong toàn huyện, mở ra khu du kích bao gồm toàn bộ miền trung, miền hạ Nghĩa Hưng nối liền với Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu, Giao Thuỷ và nam Xuân Trường, hình thành khu du kích và căn cứ du kích rộng lớn, đưa chính quyền của ta ra hoạt động công khai.

 

Trong năm 1953, địch đã mở 2 trận càn lớn vào Nghĩa Hưng là trận càn Ta-răng-te và trận càn Bi-dông. Để chống địch, quân và dân Nghĩa Hưng đã tổ chức đánh trên 300 trận, tiêu diệt 762 tên địch.

 

Bước vào chiến cuộc đông xuân 1953-1954, lợi dụng thời cơ địch phân tán lực lượng, ngày 18/3/1954, ta tổ chức tiến công và tiêu diệt bốt Tam Toà, lực lượng địch ở bốt Hải Lạng rút chạy về Nam Định. Đến tháng 4/1954, lực lượng địch ở đồn Ngọc Lâm cũng tự vượt sông sang Phát Diệm, Nghĩa Hưng từ đây sạch bóng quân thù.

 

IV- ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN THỰC HIỆN HAI NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC LÀ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC VÀ XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (1955 – 1975)

 

1- Khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân (1955 – 1965)

 

Thực hiện chủ trương của Đảng về vận động nhân dân đấu tranh đòi địa chủ giảm tô và tiến hành cải cách ruộng đất, cuối tháng 6/1955, các đoàn công tác được cấp trên cử về huyện và phân chia thành từng đội xuống phối hợp với chi bộ, chính quyền các xã lãnh đạo sản xuất.

 

Để phát triển kinh tế nông nghiệp, Huyện uỷ đã chỉ đạo củng cố và phát triển các tổ đổi công để chuẩn bị bước đi ban đầu cho việc xây dựng các HTX nông nghiệp; đồng thời quan tâm xây dựng HTX mua bán và HTX tín dụng, thực hiện phong trào “3 ngọn cờ hồng” ở nông thôn.

 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng và cải tạo XHCN, phát triển kinh tế, phong trào cách mạng trong huyện đã phát triển mạnh mẽ và đều khắp, tạo thuận lợi cơ bản để quân và dân Nghĩa Hưng thực hiện những nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ 1965 – 1975.

 

2- Đảng bộ lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965-1975)

 

Từ tháng 2/1965 lực lượng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đã ồ ạt đánh phá một cách quy mô trên toàn miền Bắc. Nhiệm vụ lớn nhất của huyện Nghĩa Hưng lúc này là lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất để đảm bảo cuộc sống, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương và chi viện đầy đủ cho chiến trường miền Nam.

 

 Huyện uỷ đã chỉ đạo phải sơ tán các công sở, cơ quan, kho tàng và chuyển trạng thái hoạt động từ thời bình sang thời chiến. Để bảo vệ sản xuất và đối phó với kẻ địch, mỗi làng, mỗi xóm có 1 tiểu đội dân quân, mỗi xã có 1 trung đội mạnh luôn sẵn sàng chiến đấu. Phong trào “tay cày tay súng” lan rộng khắp mọi tầng lớp dân cư. Trong hai cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, dân quân du kích huyện Nghĩa Hưng đã chiến đấu hàng trăm trận, bắn rơi 6 máy bay của Mỹ, trong đó nổi bật là trận thắng oanh liệt của quân và dân Nghĩa Phúc ngày 13/8/1965 và chiến công của dân quân xã Nghĩa Lâm ngày 14/5/1972.

 

Vừa phải xây dựng kinh tế, vừa trực tiếp chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhân dân Nghĩa Hưng đã làm hết sức mình để góp phần cùng đồng bào miền Nam chiến đấu. 10 năm (1965-1975), huyện Nghĩa Hưng đã bổ sung cho quân đội 13.865 thanh niên (chiếm 10,3% dân số); giao nộp vượt chỉ tiêu cho Nhà nước trên 136.000 tấn lương thực; 7.660 tấn thịt; 1.515 tấn muối; 6.500 tấn cói.

 

V. ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN TRONG HUYỆN THỰC HIỆN HAI NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (1975 – 2015)

1- Đẩy mạnh phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975-1985)

 

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hoà bình, nhân dân Nghĩa Hưng đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng. Năng suất lúa tăng từ 5 tấn/ha giai đoạn 1976-1980, lên 7 tấn/ha giai đoạn 1981-1985. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung vào phát triển ngành nghề, trong đó sản xuất vật liệu xây dựng phát triển mạnh. Sự nghiệp văn hoá- xã hội, an ninh – quốc phòng được giữ vững. Lực lượng quân sự địa phương được củng cố, tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc đã đi vào chiều sâu và phát triển tương đối đồng đều.

 

UBND huyện đã tổ chức thực hiện đề án sáp nhập các trường cấp I và cấp II thành trường phổ thông cơ sở. Hệ thống trường lớp được kiện toàn; chất lượng giáo dục được giữ vững. Công tác y tế, phòng bệnh và khám chữa bệnh được chú trọng và đi sâu vào chất lượng, hiệu quả; đặc biệt công tác tuyên truyền kế hoạch hoá gia đình đã đạt được kết quả tốt, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên. Các hệ thống đường liên thôn, liên xã được mở mang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương kinh tế giữa các vùng trong huyện.

 

2- Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phấn đấu xây dựng huyện vững mạnh toàn diện (1986-2015)

 

Qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, huyện Nghĩa Hưng đã có những bước phát triển vượt bậc. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã và đang phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ lĩnh vực văn hoá- xã hội cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp và xây mới như trường học, trạm y tế, hệ thống điện thắp sáng, nhà văn hoá thôn xóm, các bãi chôn lấp và xử lý rác thải,… Giáo dục đào tạo giữ vững truyền thống là một trong những huyện dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng giáo dục toàn diện và xây dựng trường chuẩn quốc gia, thực hiện xã hội hóa giáo dục, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài. Các chính sách an sinh xã hội và chăm sóc người có công được thực hiện có hiệu quả. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống nhân dân ổn định, ngày càng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, thể hiện qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào xây dựng nông thôn mới. Công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy từ huyện đến cơ sở có nhiều đổi mới trong tư duy và phương pháp lãnh đạo. Chính quyền các cấp đổi mới, kiên quyết, tập trung, trách nhiệm trong chỉ đạo và điều hành; chủ động, sáng tạo cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy thành kế hoạch, đề án, chương trình thực hiện. MTTQ các đoàn thể chính trị – xã hội với phương châm “hướng về cơ sở”, “gần dân, sát dân, hiểu dân” có đóng góp tích cực trong vận động đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững ổn định nông thôn.

 

Các chỉ tiêu cụ thể Đảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa Hưng đạt được trong 5 năm 2010-2015:

 

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,08%/năm.

 

 Thu nhập bình quân đầu người 28,02 triệu đồng/người/năm; ước năm 2015 đạt 33 triệu đồng/người/năm.

 

(2) Cơ cấu kinh tế trong huyện: Nông, lâm, thuỷ sản: 37,10%; Công nghiệp và xây dựng: 29,48%; Dịch vụ- Thương mại: 33,42%.

 

Giá trị thu được/ ha canh tác đạt 110 triệu đồng/ năm.

 

(3) Công nghiệp và xây dựng tăng trưởng bình quân 20,15%.

 

(4) Thương mại, dịch vụ đạt mức tăng trưởng 14,15%.

 

(5) Thu ngân sách nội địa cân đối ngân sách đạt bình quân 60 tỷ đồng/năm.

 

(6) Giáo dục đào tạo: 76,9% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ trường chuẩn cao thứ nhì tỉnh; 45,4% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II, tỷ lệ trường chuẩn cao thứ nhất tỉnh; 80,8% trường THCS đạt chuẩn quốc gia tỷ lệ trường chuẩn cao thứ nhất tỉnh; 33,3% trường THPT đạt chuẩn quốc gia; 89,5% học sinh tốt nghiệp THCS được vào học THPT ở các loại hình.

 

(7) Y tế, dân số, gia đình và trẻ em: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 14%; Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên trong huyện 0,98%.

 

(8) Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015: 3,95%

 

(9) 95,93% cơ quan, trường học, trạm y tế; 73,03% làng, xóm đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hoá.

 

(10) Tạo việc làm cho 3.500 lao động/năm

 

(11) Trên 95% TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

(12) 95% chính quyền vững mạnh, 95% MTTQ, đoàn chính trị đạt danh hiệu tiên tiến và tiên tiến xuất sắc.

 

Bước vào giai đoạn cách mạng mới với dấu mốc Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2015-2020) và tinh thần “Phát huy truyền thống anh hùng và những thành tựu đã đạt được sau 30 năm đổi mới; tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, đề cao trách nhiệm, phát huy trí tuệ, mở rộng dân chủ, giữ vững kỷ cương, quyết tâm tạo bước đột phá mạnh về phát triển kinh tế, phấn đấu xây dựng Nghĩa Hưng trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020, góp phần tích cực cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Đảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa Hưng quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu cụ thể sau:

 

1- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 7%/ năm (giá so sánh năm 2010). Thu nhập bình quân đầu người: trên 50 triệu đồng/người/năm.

 

2- Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, ngư nghiệp: 25% – Công nghiệp, xây dựng: 40,5% – Dịch vụ- Thương mại: 34,5%.

 

3- Giá trị ngành sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng bình quân trên 3%/năm.

 

4- Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp – xây dựng: 12,4%/năm.

 

5- Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ – thương mại: 8,6%/năm.

 

6- Thu ngân sách trên địa bàn tăng 10% so với chỉ tiêu tỉnh giao.

 

7- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: dưới 0,95%.

 

8- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: dưới 10%.

 

9- Tỷ lệ bao phủ BHYT so với dân số: trên 70%

 

10- Hàng năm giải quyết việc làm cho trên 3.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo 65- 70%.

 

11- Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 1,2-1,5% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020)

 

12- 100% trường mầm non, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; 88% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II; 50% trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng trường THCS Nghĩa Hưng, trường tiểu học Nghĩa Bình, tiểu học Liễu Đề đạt tiêu chuẩn trường chất lượng cao.

 

13- 100% cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hoá, 80% khu dân cư đạt danh hiệu văn hoá; trên 85% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá.

 

14-100% dân số sử dụng nước sạch; 95% làng, xóm có đội thu gom rác thải; 100% xã, thị trấn có bãi xử lý, chôn lấp rác thải theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

15- Xây dựng hệ thống chính trị: Trên 95% TCCSĐ đạt trong sạch- vững mạnh, chính quyền vững mạnh; 95% tổ chức MTTQ, các đoàn thể chính trị đạt tiên tiến và tiên tiến xuất sắc.

 

* BÀI HỌC KINH NGHIỆM

 

BÀI HỌC THỨ NHẤT: Xác lập và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định trong việc xây dựng, duy trì và phát triển phong trào cách mạng ở địa phương.

 

BÀI HỌC THỨ HAI: Phải thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ đảng viên. Phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của người lãnh đạo để lôi kéo quần chúng, động viên quần chúng tham gia phong trào cách mạng.

 

BÀI HỌC THỨ BA: Phải chăm lo xây dựng khối đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là đoàn kết lương giáo để tạo ra sức mạnh thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị.

 

BÀI HỌC THỨ TƯ: Phải luôn luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng tiềm lực, lấy kinh tế làm cơ sở cho các hoạt động chính trị- xã hội. Thường xuyên chăm lo lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân trong đó kinh tế là mục tiêu trước mắt để tạo ra sức mạnh thực hiện các mục tiêu chính trị.

 

BÀI HỌC THỨ NĂM: Phải thường xuyên tổ chức và phát động các phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến là nhân tố đảm bảo cho phong trào cách mạng phát triển đồng bộ và đi lên vững chắc./.

 

(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghĩa Hưng)

Nguồn: Nghiahung.namdinh.gov.vn

 

 

Liên hệ BLL Hội Đồng Hương