T5. Th11 21st, 2024

Lịch sử hình thành Thị Trấn Liễu Đề huyện lỵ Nghĩa Hưng

Giới thiệu chung

Thị trấn Liễu Đề nằm ở miền trung huyện Nghĩa Hưng, phía Bắc và phía Đông giáp xã Trực Thuận, phía  Nam giáp xã Trực Phú, xã Trực Hùng thuộc huyện Trực Ninh và xã Nghĩa Sơn, phía Tây giáp xã Nghĩa Trung.

Chiều dài thị trấn theo đường chim bay từ Bắc xuống Nam là 3,33 km. Chiều rộng nơi rộng nhất là 1,91 km.

 Diện tích đất tự nhiên là 432,16 ha, trong đó đất nông nghiệp là 265,65 ha

Dân số thị trấn Liễu Đề hiện nay là 7918 nhân khẩu được phân bổ ở 11 tổ dân phố và  gần 40 cơ quan của huyện nằm trên địa bàn thị trấn, tỷ lệ đồng bào công giáo chiếm 46,7%. Thị trấn có 1 đền thánh và 4 nhà thờ họ lẻ, có 2 chùa và đền thờ những người có công với dân tộc.

Liễu Đề tiếp giáp các đầu mối giao thông quan trọng, có đường quốc lộ 37B, đường tỉnh lộ 490C và đường liên huyện đi qua và 3 bề được bao bọc bởi 3 con sông lớn là sông Ninh Cơ, sông Rõng và sông Thống Nhất.

Một góc Thị trấn Liễu Đề

Lịch sử phát triển

Ngược dòng lịch sử, mảnh đất Liễu Đề ngày nay chính là do từ biển bồi đắp mà thành. Đây là nơi tiếp giáp bãi biển Nam Chân và Đại An, là nơi hai con sông lớn là sông Đáy và sông Ninh Cơ bồi tạo. Thời gian trôi đi, mảnh đất này ngày càng được bồi tụ bãi rộng thêm ra, biển lùi xa dần. Làng phố dần được mọc lên, dân cư ngày thêm đông đúc. Liễu Đề đến nay có  trên 30 dòng họ chung sống bên nhau, yêu thương đùm bọc để dựng xây làng phố.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, Liễu Đề đã nhiều lần thay đổi tên gọi và điều chỉnh địa giới hành chính. Buổi đầu có tên là xã Liễu Đề thuộc huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường.

Năm 1822 triều Minh Mệnh chia Liễu Đề thành 2 xã với tên là Hà Liễu Xã và Liễu Đề Xã Chi Dã, thuộc tổng Duyên Hưng Hạ, huyện Nam Chân.

Năm 1836, huyện Nam Chân chia thành 2 huyện Nam Chân và Chân Linh.

Năm 1890, huyện Chân Linh đổi thành huyện Trực Ninh, Nam Chân đổi thành Nam Trực, cùng thời kỳ này xã Liễu Đề tách ấp Đại Đê thành xã Đại Đê.

Đến năm 1947, do yêu cầu của cuộc kháng chiến kiến quốc, xã Liễu Đề và xã Đại Đê sát nhập thành xã Minh Tân.

 Đầu năm 1953, để phù hợp với tên gọi của các xã trong huyện Trực Ninh, xã Minh Tân đổi tên thành xã Trực Hoà.

Năm 1957 sau cải cách ruộng đất, xã Trực Hoà chia thành 2 xã: Trực Hoà và Trực Thuận.

Cuối năm 1959 xã Trực Hoà tách khỏi huyện Trực Ninh sát nhập vào huyện Nghĩa Hưng, đổi tên thành xã Nghĩa Hiệp.

Năm 1965, Nghĩa Hiệp tiếp nhận thêm xóm Khang Cù (Tổ dân phố Tân Thành ngày nay) của xã Trực Khang, huyện Trực Ninh.

Cuối năm 1975, Nghĩa Hiệp tách thôn Đại Đê và Quần Khu về xã Nghĩa Sơn.

Ngày 13/02/1987, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra quyết định số 26/QĐ-HĐBT quyết định thành lập thị trấn Liễu Đề. Thị trấn trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện Nghĩa Hưng. Thị trấn Liễu Đề được thành lập bao gồm toàn bộ diện tích và dân số của xã Nghĩa Hiệp đồng thời tiếp nhận thêm 26 ha và 331 nhân khẩu của xã Nghĩa Trung. Đây là sự kiện quan trọng, là bước ngoặt đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn.

Đến năm 1996 căn cứ Quyết định của trên và yêu cầu nhiệm vụ, thị trấn Liễu Đề chuyển 16 ha và 356 nhân khẩu thuộc khu phố Thống Nhất về xã Nghĩa Trung.

Hiện nay, diện tích đất tự nhiên của thị trấn Liễu Đề là 432,16 ha, trong đó đất nông nghiệp là 265,65 ha; Dân số là 7918 nhân khẩu được phân bổ ở 11 tổ dân phố.

Trường THCS TT Liễu Đề

Thành tựu nổi bật

Sau hơn 30 năm thành lập thị trấn, đồng thời cũng là hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn luôn tự hào về những kết quả, thành tích đã đạt được trong quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ thương mại. Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá và trên 20% diện tích đất nông nghiệp các hộ đã và đang trồng hoa, cây cảnh và rau màu. Thu nhập bình quân 500 triệu đến 600 triệu đồng/ha/năm, có mô hình cho thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/ha/năm. Phát huy lợi thế thị trấn là nơi giao lưu thuận lợi giữa các vùng miền trong và ngoài tỉnh, nhân dân thị trấn cũng như nhiều nhà doanh nghiệp đã và đang đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Tính đến đầu năm 2017, toàn thị trấn có 1025 hộ kinh doanh, trong đó có 109 hộ nộp thuế môn bài và thuế kinh doanh hàng tháng với các mặt hàng kinh doanh phong phú và đa dạng. Nhiều cửa hàng như kinh doanh đồ may mặc, kinh doanh ăn uống, kinh doanh vàng bạc, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm, thu hút hàng trăm lao động trong và ngoài thị trấn. Đặc biệt từ  một địa bàn chỉ có chợ quê truyền thống đến nay chợ Liễu Đề được xây dựng chợ 2 tầng là chợ lớn nhất huyện. Với trách nhiệm của các thế hệ cán bộ là để lại truyền thống văn hoá cho thế hệ mai sau, kể từ năm 1989 đến nay đã là 30 năm chợ xuân Liễu Đề được tổ chức vào ngày mùng 6 tết nguyên đán hàng năm đã trở thành chợ truyền thống của huyện Nghĩa Hưng nói riêng, của tỉnh Nam Định nói chung mỗi khi tết đến xuân về.

Các công trình phúc lợi công cộng được quan tâm đầu tư xây dựng, công trình nối tiếp công trình được mọc lên làm cho diện mạo của thị trấn đổi thay từng ngày. Thị trấn đã tranh thủ nguồn lực của các cấp, các ngành, từ ngân sách địa phương cùng với huy động sự đóng góp của nhân dân để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phát triển. Có thể kể đến các công trình trọng điểm như công trình Cống Sách đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích đất hai lúa của HTX, ngành điện đã đầu tư 14 trạm điện với công suất đảm bảo nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn, cùng với sự nâng cấp đường quốc lộ, đường tỉnh lộ qua thị trấn, với gần 2 km đường nội thị đã và đang được đầu tư, đồng thời trên 30 km đường trục, đường liên các tổ dân phố được bê tông hoá hoặc nhựa hoá 100%, với 11/11 tổ dân phố có nhà văn hoá mái bằng trị giá 500 triệu đến 800 triệu/1 nhà. Tất cả các trường học đều được cao tầng hoá đáp ứng đủ phòng học cho từ 1200 học sinh đến 1400 học sinh ở 3 cấp học. Đặc biệt với sự quyết tâm chính trị cao trong vòng 5 năm trở lại đây từ ngân sách và hỗ trợ kinh phí của cấp trên thị trấn đã có sân vận động, trụ sở làm việc của hệ thống chính trị và nhà văn hoá. Sản xuất được phát triển, đời sống được nâng lên, nhân dân ngày càng quan tâm đầu tư xây dựng các công trình dân dụng. 100% các hộ có nhà ở an toàn và hợp vệ sinh, nhiều hộ gia đình xây dựng nhà 5-6 tầng. Đặc biệt để đảm bảo tiết kiệm đất đồng thời đáp ứng công tác vệ sinh môi trường, 2 khu đô thị theo hướng hiện đại đã được triển khai. Nhờ có kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh do vậy kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng lên.

Cùng với sự phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá – xã hội có nhiều tiến bộ và đạt nhiều thành tích vượt bậc, đến nay 3/3 trường của thị trấn đạt chuẩn quốc gia, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tất cả các trường và trạm y tế được công nhận cơ quan có nếp sống văn hoá. Các hoạt động văn hoá thông tin, TDTT được đẩy mạnh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cũng như phong trào “Toàn dân đoàn kết chung sức xây dựng nông thôn mới – đô thị văn minh” được phát động sâu rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sâu rộng và đều khắp từ các tổ dân phố đến các cơ quan, trường học, ở mọi lứa tuổi và nhiều thể loại, các môn tham gia hội diễn văn hoá văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao ở huyện, thị trấn luôn đạt các giải cao. Hệ thống đài truyền thanh không dây phủ sóng tất cả các khu dân cư. Gần 100% số hộ gia đình có các phương tiện nghe nhìn, trong đó có trên 20% số hộ sử dụng mạng internet, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng, các chế độ chính sách, công tác an sinh xã hội được quan tâm. Hết năm 2016, 11/11 tổ dân phố được UBND huyện trao bằng “Tổ dân phố văn hoá”. Thị trấn được UBND huyện công nhận “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” năm 2014 – 2015 .

Nguồn: ttlieude.namdinh.gov.vn

Liên hệ BLL Hội Đồng Hương