T5. Th11 21st, 2024

Đền Trần Thiên Bình- một điểm đến văn hóa tâm linh

Làng Thiên Bình được thành lập năm 1889, đây là làng đầu tiên của xã Nghĩa Bình. Thể hiện sự tôn kính Vị anh hùng dân tộc Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn: “ Sinh vi tướng, tử vi thần” đã đồng hành cùng dân tộc, thấm sâu vào tiềm thức của nhân dân hương thôn. Năm Kỷ Dậu ( 1909) niên hiệu Duy Tân, 4 cụ quản mộ cùng với nhân dân hương thôn xây dựng nên ngôi đền thờ Đức Thánh Trần đầu tiên trong vùng miền hạ của huyện theo kiểu “ tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh” hệ thống tiền đường gồm 5 gian có tiền sảnh, hậu cung, vọng lâu, rồng chầu, lầu chiêng, lầu trống. Nhân dân hương thôn tổ chức cử người đi rước chân hương Đức Thánh Trần từ Đền Bảo Lộc Nam Định về thờ. Đồng thời, chuyển bát hương Thổ thần, bát hương Phu nhân tướng Doãn Uẩn- Phạm Thị Quán người có công lập ấp về cùng thờ tại đền. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975 Đền đã được xây dựng thêm 1 gian thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các chân linh liệt sĩ.

Đền Trần Thiên Bình tọa lạc tại xóm 1 thôn Thiên Bình, nằm về phía Đông Bắc xã Nghĩa Bình. Khuôn viên nhà Đền có tổng diện tích gần 2.900 m2, trong đó, đền, đình và sân rộng 1.460m2, còn lại là diện tích vườn, ruộng. Ngay từ khi thờ tự, hương thôn đã cử ra ông thủ từ để đèn hương phụng sự trông coi thường xuyên. Tuần, tiết, ngày rằm, mồng một, các ngày lễ lớn Húy kỵ 20/8, húy kỵ 10 tháng chạp nhân dân hương thôn tổ chức mở lễ hội, nghi thức tế lễ, rước kiệu, dâng hương …

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp giai đoạn ( 1945-1954): Ngay sau cách mạng tháng 8 thành công, ông Vũ Hữu Ích- Chủ tịch hành chính lâm thời xã Thiên Bình đã dùng đền làm trụ sở xã, làm nơi hội họp, mít tinh, phát động các phong trào yêu nước như: Tuần lễ vàng ủng hộ kháng chiến, Hũ gạo kháng chiến, công trái kháng chiến. Đền còn làm kho giữ thóc gạo ủng hộ kháng chiến của khu vực.

Từ tháng 10 năm 1949: thời kỳ địch tạm chiến Đền Trần Thiên Bình là cơ sở hoạt động bí mật kháng chiến, hậu cung của đền làm văn phòng 2 huyện Nghĩa Hưng khu vực miền hạ, in ấn truyền đơn, tuyên truyền giác ngộ quần chúng, từ đó, nhân rộng ra nhiều cơ sở cách mạng. Khi địch đóng bốt ở Quần Lạc, Quỹ Nhất, Văn Giáo. Làng Thiên Bình là vùng du kích, đền Trần Thiên Bình là nơi tập kết chuẩn bị hậu cần, tập trung của bộ đội tỉnh, huyện ở cùng với du kích đi đánh bốt chống càn của địch. Đền cũng là kho cất dấu vũ khí, cất giữ hậu sự tiếp nhận liệt sĩ đưa đi mai táng, tiếp nhận thương binh miền hạ của huyện…

Trong trận chống càn vào làng Thiên Bình ngày 1/10/1953, địch lợi dụng sương mù, đánh bất ngờ. Song nhờ địa thế thuận lợi, bộ đội, du kích ở đền đã kịp thời triển khai chiến đấu. Tên chỉ huy ba Pháp khi đang dùng ống nhòm quan sát đã bị bộ đội bắn chết khi chưa kịp vào làng. Mất tướng địch phải gọi trực thăng xuống lấy xác và bỏ dở trận càn.

Trận càn tháng 11/1953, địch mở nhiều mũi đánh vào làng Thiên Bình. Chúng đã bắn vào đền làm thủng vỡ tường và mái ngói, khi phát hiện trong Đền có hậu sự và đồ mai táng, chúng phá hết đồ thờ, vặt râu tượng, đốt vải, đốt sắc phong và đốt giấy tờ lưu trữ tại đền. Trước khi ra khỏi làng chúng còn đốt 40 nóc nhà rạ, đập phá nhà ngói.  Có thể nói, chưa làng nào ở miền hạ Nghĩa Hưng bị địch cay cú trả thù như làng Thiên Bình.

Cũng tại nơi đây, sau cách mạng tháng 8 năm 1945, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh chống giặc đói, giặc dốt. Đền Trần Thiên Bình lại là nơi mở lớp Bình dân học vụ để nhân dân hương thôn, già trẻ đi học xóa nạn mù chữ. Trong chiến tranh đền còn là nơi sơ tán, tổ chức các lớp học của Trường tiểu học xã Nghĩa Bình.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ giai đoạn (1955 -1975) : Năm 1959, Làng Thiên Bình thành lập hợp tác xã nông nghiệp, đền Trần lại làm trụ sở Hợp tác xã, là nơi hội họp của các đoàn thể, tối đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Sân đình thường xuyên được đội chèo, cải lương của thôn biểu diễn phục vụ nhân dân ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ. Sân đền là sân kho, sân kéo đá, sân phơi của hợp tác xã. Năm 1963, Đoàn vận tải đường sông 103 của Bộ giao thông vận tải lấy Đền làm sở chỉ huy vận tải vũ khí, lương thực từ Bắc vào Nam chi viện cho chiến trường…Trong suốt thời kỳ chống Mỹ, Đền Trần Thiên Bình vừa là trụ sở, là nơi vận động tổ chức các buổi lễ phát động phong trào chiến đấu và sản xuất, phong trào ba sẵn sàng, gặp gỡ, tập trung tiễn quân lên đường bảo vệ tổ quốc; Tập kết lương thực, thực phẩm vận chuyển vào chiến trường phục vụ tiền tuyến. Tại đây đã thành lập trung đội cứu thương, tải đạn phục vụ chiến đấu cùng với bộ đội bắn máy bay Mỹ.

Qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước, đền thờ Đức Thánh Trần Thiên Bình đã đồng hành cùng chứng kiến sự phát triển đi lên của làng, xã Nghĩa Bình. Để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau, nhân dân thôn Thiên Bình đã và đang từng bước khôi phục, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan ngôi Đền ngày một to đẹp. Ghi nhận sự tồn tại và những đóng góp, sự hiện hữu của ngôi Đền trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đền Trần Thiên Bình đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Bài và ảnh: Đài phát thanh huyện

Liên hệ BLL Hội Đồng Hương