T5. Th11 21st, 2024

Các di tích thờ danh nhân văn hóa ở Nghĩa Hưng

Huyện Nghĩa Hưng có 31 di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng bảo vệ, tôn tạo, trong đó nhiều di tích thờ các danh nhân văn hóa, tiêu biểu như: Từ đường họ Phạm, Đền thờ Tiến sĩ Phạm Văn Nghị (xã Nghĩa Lâm), Đền Chùa Hưng Thịnh (xã Hoàng Nam) thờ 2 vị Tiến sĩ Phạm Nguyên Bảo và Phạm Đạo Phú, Đền thờ Tiến sĩ Doãn Khuê (xã Nghĩa Thành), Đền – Chùa Lộng Điền (xã Nghĩa Đồng) thờ Tiến sĩ Vũ Huy Trác, Đình làng Nhân Hậu (Nghĩa Thái) thờ Tiến sĩ Đồng Công Viện…

Di tích Đền, Chùa Lộng Điền, thờ Tiến sĩ Vũ Huy Trác ở xã Nghĩa Đồng.

Đến thăm Đền thờ Tiến sĩ Phạm Văn Nghị, xã Nghĩa Lâm, chúng tôi được nghe cụ Phạm Văn Đẩu, là hậu duệ đời thứ 6 kể chuyện về thân thế sự nghiệp của bậc tiền nhân. Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị sinh năm 1805, quê ở xã Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên). Là con của một cụ đồ nghèo, nhưng nhờ chăm chỉ học hành nên ông lần lượt đỗ Tú tài (1826), Cử nhân (1837) và Hoàng giáp (1838), nên được người đời gọi là Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị. Sau khi đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ, ông từng giữ chức Tu soạn Hàn lâm, rồi được bổ nhiệm làm Tri phủ, Đốc học tỉnh Nam Định, làm quan ở Quốc sử triều đình Huế, rồi giữ chức Thượng biện Hải Phòng. Trong thời gian làm quan, ông vẫn vừa học vừa đào tạo nhân tài cho đất nước. Học trò của ông nhiều người đỗ đạt cao như: Tam nguyên Trần Bích San, Tam nguyên Nguyễn Khuyến, Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi… Với công lao giúp dân mở đất, nhiều xã ở miền hạ huyện Nghĩa Hưng đã lập đền thờ Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị. Trong đó, nhân dân xã Nghĩa Lâm lập đền thờ ông ngay lúc ông còn sống để tỏ lòng kính trọng, biết ơn. Để gìn giữ giá trị kiến trúc gốc của ngôi đền, nhân dân địa phương đã nhiều lần phát tâm công đức để tu bổ, tôn tạo. Cổng đền gồm hai lớp mái, với những đầu đao uốn cong như những vân mây đang tụ trên các góc, làm cho toàn bộ công trình được nâng lên thanh thoát nhẹ nhàng. Qua cổng là một sân gạch với nhiều bồn hoa và cây lưu niên trồng xen kẽ. Nhà tiền đường gồm năm gian khung gỗ lim, lợp ngói nam. Toàn bộ phần nề ở tiền đường thể hiện trình độ và kỹ thuật cao của những người thợ địa phương. Từ những gờ chỉ đến các hoa lá cách điệu, các cuốn thư, các hình hoa văn… phối hợp với nhau hài hòa cân đối. Tại tòa chính tẩm của đền có ba pho tượng bằng gỗ. Tượng ở giữa là Tổng đốc Nam Định Nguyễn Điển, người đã cho phép để mở đầu cho công cuộc khẩn hoang lấn biển ở đây. Tượng bên tả là ông Phạm Văn Thạnh, còn pho bên hữu là tượng Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị. Với những giá trị về kiến trúc, lịch sử – văn hóa, Đền thờ Phạm Văn Nghị đã được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1989.

Tiến sĩ Doãn Khuê tên tự là Bảo Quang, sinh ngày 15-10-1813 trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Năm Doãn Khuê 11-12 tuổi thì cha mẹ lần lượt qua đời. Trước mất mát to lớn ấy ông vẫn không xao nhãng việc học hành, vì vậy khoa thi năm Mậu Tuất (1838) ông là một trong 8 người đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ. Sau khi đỗ đạt, ông được bổ chức Hàn lâm viện biên tu. Ngay năm sau ông được thăng Tri phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Cuối năm 1842 ông được bổ chức Giáo thụ Xuân Trường. Năm 1854, Doãn Khuê được Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị cắt tặng cho vùng đất phía đông tại Sĩ Lâm thuộc bãi sa bồi bờ biển Đại An (còn gọi là ấp Một). Ông đã cùng con trai chiêu tập dân nghèo về đây khai hoang mở đất, xin miễn thuế cho dân rồi cho lập kho “nghĩa thương” giúp người nghèo đói. Tôn vinh bậc sĩ phu chân chính của thời đại, năm 1880, nhân dân xã Nghĩa Thành lập đền thờ để tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn công lao đức độ của ông với đất nước, với địa phương. Đền thờ Tiến sĩ Doãn Khuê gồm 3 tòa xây liền nhau theo kết cấu “trùng thiềm”. Tòa tiền đường 5 gian, hệ thống cột vuông xây bằng gạch gánh đỡ toàn bộ vì kèo, xung quanh có tường bao với 5 cửa ra vào phía trước xây cuốn để thông với ngoài hiên. Tòa trung đường và chính tẩm xây tường chịu lực như tiền đường, trần xây cuốn vòm. Các cột trụ được xây nhô ra để đỡ hệ thống mái, mặt ngoài đắp nổi câu đối chữ Hán. Ngày 20-7-1994 ngôi đền được Bộ VH-TT xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Đền – Chùa Hưng Thịnh thờ hai vị Tiến sĩ Phạm Nguyên Bảo và Phạm Đạo Phú triều Lê Thánh Tông năm 1487. Tiến sĩ Phạm Nguyên Bảo sinh năm 1456. Quê của ông ở ấp Hoàng Xá nay là thôn Phạm Xá, Yên Nhân, Ý Yên. Sau này ông chuyển về tân ấp Cô Bần, thôn Hưng Thịnh, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng). Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18 (1487) đời Vua Lê Thánh Tông, giữ chức Phó đô Ngự sử. Năm Hồng Đức thứ 24 (1493), Phạm Nguyên Bảo chỉ huy 2 vạn quân tiễu trừ phiến loạn tại đồn Hưng Hóa (Nghệ An). Sau chiến công này ông được phong Phó đô Ngự sử, Võ huân tướng quân tả hiệu điểm, trấn thủ tại Nghệ An. Năm 1497, Phạm Nguyên Bảo hộ giá Vua Lê Thánh Tông đi đánh dẹp Chiêm Thành. Sang đất Chiêm Thành ông đã bị bệnh nặng và mất vào ngày 27 tháng giêng năm 1497. Linh cữu ông được đưa về tân ấp Cô Bần để an táng. Phạm Đạo Phú thi đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa thi Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490). Năm 1495, Phạm Đạo Phú giữ chức Hàn lâm viện kiểm thảo trong Hàn lâm viện. Sau này ông được thăng chức Hình bộ tả Thị lang. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Phạm Đạo Phú là người rất trung thành với nhà Lê nên đã treo ấn từ quan về sống tại tân ấp Cô Bần. Tại đây ông đã xây dựng văn chỉ, tạo đường, thông ngòi giúp đỡ nhân dân. Ông mất ngày 2 tháng 8 năm Nguyên Hòa thứ 7 (1539). Vua Lê Thế Tông (1573-1599) sắc phong truy tặng là Tham tri trung ý Trung đẳng thần. Sau khi 2 ông mất, nhân dân đã lập đền thờ. Đền Hưng Thịnh là một công trình bề thế, với lối kiến trúc có bố cục chặt chẽ theo kiểu tiền chữ nhất hậu chữ đinh gồm tiền đường 3 gian rộng, tòa đệ nhị 3 gian và chính tẩm 2 gian. Đền có hương án được tạo dáng đẹp, phân chia từng phần, từng khuông, trang trí cân xứng, phía trên viền thành mặt chạy bằng họa tiết cánh sen nghiêng đều đặn. Chân hương án cùng xà ngang, xà dọc đều chạm khắc hoa văn hoa cúc, hoa mai, triện tàu lá dắt mềm mại, sinh động. Trong các khuông, các mảng trang trí cảnh rùa ẩn mình trong sen, cảnh sóng nước hoa lá, cảnh rồng bay phượng múa, long mã chầu tinh xảo.

Để phát huy giá trị văn hóa – lịch sử của các di tích thờ danh nhân văn hóa, hằng năm, vào những ngày lễ lớn của dân tộc, hay vào dịp khai giảng, tổng kết năm học, các cơ sở giáo dục ở các địa phương của huyện Nghĩa Hưng đều tổ chức dâng hương, giáo dục truyền thống tại các di tích, thường xuyên tổ chức các hoạt động học tập ngoại khóa tìm hiểu về di tích, thân thế sự nghiệp của các vị đại khoa. Ở xã Hoàng Nam, hằng năm Trường THCS Hoàng Nam đều tổ chức cho học sinh tham quan khu di tích Đền – Chùa Hưng Thịnh để các em nắm rõ về thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ Phạm Nguyên Bảo và Phạm Đạo Phú; tổ chức dâng hương cùng địa phương nhân ngày mở hội; phân công cho từng khối lớp nhặt cỏ trong vườn, tưới nước, chăm sóc cây xanh, quét dọn vệ sinh trong khu nội tự đền, chùa… Ở di tích từ đường họ Phạm và Đền thờ Phạm Văn Nghị, xã Nghĩa Lâm trong những ngày diễn ra lễ hội, nhân dân địa phương cùng các con cháu dòng họ đều thành kính làm lễ dâng hương, sau đó tuyên dương những cá nhân có thành tích học tập xuất sắc ngay tại di tích. Ở di tích Đền – Chùa Lộng Điền (xã Nghĩa Đồng), hằng năm vào ngày 15 tháng chạp cùng với các nghi thức trong phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội có nhiều hoạt động như: chọi gà, đấu vật, đấu cờ…

Việc quan tâm bảo tồn phát huy giá trị các di tích thờ danh nhân ở Nghĩa Hưng đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, hiếu học của quê hương, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ quyết tâm học tập xây dựng quê hương giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Viết Dư

Liên hệ BLL Hội Đồng Hương