T3. Th1 28th, 2025

Đảm bảo đủ nguồn cát phục vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm

Trên địa bàn tỉnh ta đang đồng loạt triển khai các công trình, dự án giao thông trọng điểm của quốc gia và của tỉnh như: Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng đoạn đi qua địa bàn tỉnh; Dự án xây dựng đường trục phát triển nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (Giai đoạn II); Dự án tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển; Dự án cầu vượt sông Đáy (thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng)… nên nhu cầu về nguồn cát xây dựng phục vụ thi công các công trình là rất lớn. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã chủ động các phương án đảm bảo nguồn cát xây dựng để thực hiện các dự án giao thông trọng điểm đảm bảo tiến độ.  

Trong năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp với UBND các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình và quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc để đảm bảo tiến độ thi công các dự án. Đối với dự án giao thông trọng điểm quốc gia tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài 27,6km, đi qua 4 huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực và Xuân Trường do UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án, UBND tỉnh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thái Bình về việc tham gia ý kiến hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư (PPP) và văn bản rà soát xác định chi phí giải phóng mặt bằng nút giao đường tỉnh 489C với đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng trên địa bàn tỉnh. Dự kiến nhu cầu nguồn cát xây dựng phục vụ thi công dự án sơ bộ khoảng 11 triệu m3 trong đó đoạn qua tỉnh Nam Định cần khoảng 5 triệu m3. Dự án xây dựng đường trục phát triển nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (Giai đoạn II) dài 46km với tổng mức đầu tư được phê duyệt 2.487,5 tỷ đồng đang được đồng loạt triển khai thi công trên cả 2 gói thầu. Trong đó, Gói thầu số 1 giá trị khối lượng thực hiện khoảng 340,28/1.099,65 tỷ đồng đạt gần 31%; gói thầu số 2 giá trị khối lượng thực hiện khoảng 110/617,98 tỷ đồng đạt 17,8%. Dự án tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển với tổng chiều dài khoảng 24,7km đang được triển khai thực hiện với 3 gói thầu. Trong đó gói thầu 1 giá trị khối lượng thực hiện đạt 11,36%; Gói thầu 2 giá trị khối lượng thực hiện đạt 5,68%; Gói thầu 3 giá trị khối lượng thực hiện đến nay đạt 0,57%. Dự án cầu vượt sông Đáy (thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng) với tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến 2km quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/giờ đã được UBND tỉnh tổ chức triển khai thi công cuối tháng 9-2023.

 

Để đảm bảo nguồn cát xây dựng phục vụ thi công hàng loạt công trình giao thông trọng điểm trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện rà soát, xác định sơ bộ trữ lượng và khả năng cung ứng của các mỏ cát trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh xác định trên tuyến sông Hồng có 9 điểm mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường (Bãi Búng, Bãi Gùi, Bãi Gùi 2, Mom Rô, Mom Rô 2, Sa Cao, Xuân Tân 1, Xuân Tân 2, Giao Thiện) với tổng trữ lượng khoảng 11,8 triệu m3. Trên tuyến sông Ninh Cơ có 2 mỏ (Nghĩa Thắng, Nghĩa Sơn) với trữ lượng khoảng 1,586 triệu m3; trên tuyến sông Đáy có 2 điểm mỏ (Nghĩa Hồng, cửa Đáy) với trữ lượng 2,197 triệu m3. Khu vực ven biển các huyện: Nghĩa Hưng có trữ lượng khoảng 107,094 triệu m3; Giao Thủy trữ lượng 55,993 triệu m3. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy phép khai thác 6 mỏ cát khu vực ven biển huyện Giao Thủy (tổng trữ lượng khai thác 19,7 triệu m3, công suất 1,849 triệu m3/năm); 2 mỏ cát khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng (tổng trữ lượng khai thác 3,056 triệu m3; công suất 622 nghìn m3/năm); 1 mỏ khu vực cửa Đáy (tổng trữ lượng 998 nghìn m3; công suất 185.630m3/năm). Tuy nhiên, theo đánh giá chuyên môn, các mỏ cát sông phân bố trên 4 tuyến sông chính của tỉnh có trữ lượng không lớn, việc khai thác cát trên sông cần đánh giá đầy đủ tác động đến môi trường, đê kè. Hiện nay, UBND tỉnh đang có kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó tổng số mỏ đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023 là 12 lô mỏ cát ven biển chưa thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng gồm 6 lô; khu vực ven biển huyện Giao Thủy gồm 6 lô), trữ lượng quy hoạch khoảng 45,5 triệu m3. Thời gian hoàn thành đấu giá quyền khai thác khoáng sản dự kiến trước ngày 30-6-2024.

 

Mặt khác, nhu cầu sử dụng cát san lấp của dự án trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện nay khoảng 5 triệu m3, nhu cầu cát san lấp dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh đoạn qua tỉnh Nam Định tạm tính khoảng 5 triệu m3. Theo đó, tổng nhu cầu cát san lấp các dự án của tỉnh và phục vụ cho dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh đoạn qua tỉnh Nam Định khoảng 10 triệu m3 cát. Trong khi đó, thời gian triển khai nhanh đòi hỏi công suất khai thác tương đối lớn. Do đó để đảm bảo nhu cầu cát san lấp cho các dự án, UBND tỉnh đề xuất khai thác, sử dụng cát khu vực ven biển các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy để đủ nguồn cát cung cấp cho thi công dự án.

 

Tại buổi làm việc với đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ ngày 26-9-2023 UBND tỉnh đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong đó có nội dung: vật liệu san lấp làm các dự án giao thông gặp khó khăn về nguồn cung cấp và đã đề xuất với Chính phủ cho phép sử dụng cát biển làm đường giao thông. Ngày 5-10-2023, Bộ Giao thông Vận tải đã có Văn bản số 11203/BGTVT-KHCN&MT về xử lý kiến nghị của tỉnh Nam Định về việc cho phép sử dụng cát biển phục vụ san lấp cho các công trình giao thông, trong đó nêu rõ: Các vấn đề liên quan đến tác động môi trường, cây trồng, vật nuôi khi sử dụng cát biển đang được các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng báo cáo, dự kiến đến tháng 11-2023 Bộ Giao thông Vận tải sẽ có báo cáo tổng kết về nhiệm vụ này./.

 

Bài và ảnh: Thành Trung

Nguồn Báo Nam Định

Liên hệ BLL Hội Đồng Hương