T7. Th11 23rd, 2024

Giá trị văn hoá tâm linh qua các di tích ở Nghĩa Hưng

Huyện Nghĩa Hưng có 32 di tích lịch sử – văn hoá được Nhà nước xếp hạng; trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh giá trị lịch sử và kiến trúc, các di tích đều là những công trình văn hoá tâm linh thờ các vị anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hoá của quê hương có công khai hoang, lập ấp, xây dựng đời sống ấm no cho nhân dân…

Hầu hết các di tích thờ nhân thần trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng đều thờ các vị vua, danh tướng từ thời Hùng Vương đến các triều đại Đinh, Lê, Trần như: Hùng Nghị đại vương, Quý Minh đại vương, Nam Hải đại vương, Chiêu Hải đại vương, Triệu Việt Vương, Trần Hưng Đạo… Xã Nghĩa Thịnh là vùng quê bảo lưu được nhiều giá trị văn hoá truyền thống với gần 20 ngôi đình, đền, chùa, miếu; trong đó có 5 di tích được Nhà nước xếp hạng bảo vệ, tôn tạo. Đình Hưng Lộc và Đình – Chùa Hải Lạng đều thờ Thái uý Đại tướng Phạm Cự Lượng – danh tướng có công lao trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước dưới 2 vương triều Đinh – Lê. Phạm Cự Lượng sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn võ, quê ở Khúc Giang, Nam Sách (thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay). Dưới thời Vua Đinh Tiên Hoàng ông được phong các chức: Phòng ngự sứ tiên phong tướng quân, Tâm phúc tướng quân… Để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân các làng: Hưng Lộc, Hải Lạng, Hưng Nghĩa, Nhân Hậu, Bình A đều lập đền thờ ông với thần hiệu “Lê triều tiên phong đại tướng quân, Thái úy Đồng Cổ sơn thần”. Hằng năm, tại Đình Hưng Lộc và Đình – Chùa Hải Lạng đều diễn ra lễ hội. Đó là ngày hội Xuân vào mồng 6, 7 tháng giêng và lễ hội kỷ niệm ngày sinh của tướng quân Phạm Cự Lượng từ ngày 18 đến 21-11 âm lịch với nhiều nghi lễ trang trọng. Đền – Chùa Hạ Kỳ là di tích lịch sử – văn hoá thờ Đinh Lôi – danh tướng thời Trần có công cùng Hưng Đạo Đại Vương đánh bại quân xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII. Hằng năm, cứ từ ngày mồng 10 đến 12 tháng Giêng, tại đền Hạ Kỳ, nhân dân tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày mất của tướng quân Đinh Lôi. Trong lễ hội, các trò vui mang nhiều ý nghĩa như: thi nấu cơm, thi làm bánh dầy, tổ tôm điếm đã góp phần bảo lưu những giá trị truyền thống của làng quê. Những nghi thức linh thiêng như: rước cối xay, rước thổ công, rước Bà Chúa lúa, lễ xin lửa, lễ xin gạo mang đậm sắc thái của cư dân nông nghiệp, gửi gắm ước nguyện về một năm bội thu. Đền – Chùa Hà Dương (xã Hoàng Nam) là di tích lịch sử – văn hoá được Bộ VH, TT và DL xếp hạng năm 2017. Đền thờ Chiêu Hải Đại Vương Nguyễn Đèn – người giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình dưới 3 đời vua Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông, đồng thời phối thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Lễ hội Đền – Chùa Hà Dương được tổ chức mỗi năm 2 lần; trong đó, lễ hội tưởng nhớ Đức Thánh Trần diễn ra trong 2 ngày 19 và 20-8 âm lịch với nhiều nghi thức tế, lễ trang trọng. Từ ngày 21 đến 23 tháng Giêng là lễ hội kỷ niệm ngày kị của Chiêu Hải Đại Vương Nguyễn Đèn. Lễ hội được dân làng tổ chức với nhiều nét sinh hoạt văn hoá tâm linh như: múa rồng, rước kiệu, thi làm bánh dầy, nặn tò he, thi đấu cờ người, hát chèo… Ở huyện Nghĩa Hưng, giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ nhân thần không chỉ thể hiện qua các di tích thờ các vị anh hùng dân tộc mà còn gắn với các di tích thờ danh nhân văn hoá của quê hương; tiêu biểu như: Đền thờ Phạm Văn Nghị (xã Nghĩa Lâm), Đền thờ Doãn Khuê (xã Nghĩa Thành), Đình – Chùa Lộng Điền (xã Nghĩa Đồng), Đình Nhân Hậu (xã Nghĩa Thái), Đình – Đền – Chùa – Phủ Hưng Nghĩa (xã Nghĩa Thịnh)… Hằng năm, lễ hội tại các di tích được tổ chức, quản lý theo hướng văn minh, tiết kiệm, trở thành nét sinh hoạt văn hoá tâm linh đặc sắc. Di tích lịch sử  – văn hoá cấp quốc gia Đền – Chùa Hưng Thịnh (xã Hoàng Nam) thờ hai anh em họ là Tiến sĩ Phạm Nguyên Bảo và Tiến sĩ Phạm Đạo Phú. Ngoài ra, đền còn phối thờ các tổ có công khai hoang, lấn biển đầu thế kỷ XV.

Theo “Hưng Thịnh lương chí”, Phạm Nguyên Bảo đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (1487) đời vua Lê Thánh Tông, giữ chức Phó đô Ngự sử còn Phạm Đạo Phú thi đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490) giữ các chức: Hàn lâm viện kiểm thảo, Hình bộ tả Thị lang, Tham tri trung ý Trung đẳng thần. Lễ hội truyền thống tại di tích được tổ chức vào ngày mồng 2-8 âm lịch và 27 tháng Giêng hằng năm, ngoài phần lễ trang trọng, phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: bắt vịt, gà chọi, tổ tôm điếm… Tại Đền thờ Phạm Văn Nghị (xã Nghĩa Lâm), hằng năm cứ vào dịp Tết Nguyên tiêu (14 tháng Giêng) dân làng Sĩ Lâm lại tổ chức lễ hội. Ở Đền thờ Doãn Khuê (xã Nghĩa Thành), ngoài kỳ lễ hội Xuân ngày 19 tháng Giêng, vào các ngày: 15-10 (ngày sinh) và 2-10 (ngày mất) của Tiến sĩ Doãn Khuê cũng được nhân dân tổ chức tế lễ trang trọng.

Trong các loại hình văn hoá tín ngưỡng ở Nghĩa Hưng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ con cháu và đã trở thành đạo lý của dân tộc.  Ngay từ thời mở đất (từ thế thứ X đến thế kỷ XV), con cháu dòng họ ở các địa phương đã lập đền thờ các vị Thuỷ tổ có công quai đê, lấn biển, lập làng xã, gây dựng cuộc sống cho nhân dân. Trên địa bàn huyện có hàng chục di tích là những ngôi đền, từ đường thờ các vị tổ khai sáng, khai cơ các dòng họ: Nguyễn, Vũ, Khương, Hoàng… Di tích lịch sử – văn hoá Từ đường họ Nguyễn (xã Nghĩa Thịnh) thờ Thuỷ tổ Nguyễn Đình Cơ (Nguyễn Phụ) và em gái là Tổ cô Nguyễn Thị Lạc (Phù Dung Công chúa). Nguyễn Đình Cơ là người có công khai khẩn vùng cửa biển Đại An lập trang Hạ Kỳ còn Nguyễn Thị Lạc là người làm nghề bốc thuốc và dạy học trong triều đình nhà Lê. Ngày nay, tại từ đường vẫn còn bảo lưu các di vật có giá trị như: nhang án, tượng Tổ cô, câu đối và 2 đạo sắc phong triều Nguyễn niên hiệu Duy Tân 5 (1911) và niên hiệu Khải Định 9 (1924) phong cho Nguyễn Thị Lạc là Phù Dung Công chúa – Thượng đẳng thần. Hằng năm các con cháu trong dòng họ tổ chức 2 kỳ lễ kị chính vào ngày 11 tháng Giêng (ngày kị Thuỷ tổ) và ngày mồng 6 tháng 3 (ngày chính kị Tổ cô).

Cùng với tiến trình lịch sử, giá trị văn hóa tâm linh qua các di tích lịch sử – văn hoá ở Nghĩa Hưng vẫn luôn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần bồi đắp những giá trị đạo đức quý báu, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong cuộc sống hôm nay./. Bài và ảnh: Khánh Dũng

(Nguồn: Báo Nam Định)

Liên hệ BLL Hội Đồng Hương