T5. Th11 21st, 2024

Kênh đào hơn 100 triệu USD nối hai sông ở Nam Định

Kênh đào hơn 100 triệu USD nối hai sông ở Nam Định

Một km kênh đào nối sông Đáy – Ninh Cơ tổng vốn đầu tư trên 100 triệu USD (2.300 tỷ đồng), đáp ứng tàu trọng tải 2.000-3.000 tấn, sắp hoàn thành sau hơn hai năm thi công.

Cụm công trình kênh nối sông Đáy (bìa trái) – Ninh Cơ thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, được khởi công xây dựng cuối năm 2020, trên diện tích khoảng 45 ha. Dự án có tổng mức đầu tư 101 triệu USD (khoảng 2.300 tỷ đồng), từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới.

Dự án nhằm tạo kết nối tuyến vận tải ven biển phía Bắc với các cảng thủy trên sông Đáy, khu vực Nam Định, Ninh Bình qua cửa biển Lạch Giang, giúp rút ngắn 20% thời gian hành trình phương tiện thủy từ các tỉnh ven biển đến Ninh Bình và ngược lại. Đồ họa: Khánh Hoàng

Tuyến kênh dài khoảng một km, rộng 90-100 m, đáp ứng tàu chở hàng trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn. Công trình cũng là tổ hợp của nhiều loại hình như đường thủy, cầu cảng, thông tin liên lạc.

Công trình chính của dự án là âu tàu dài 179 m, rộng 17 m và sâu 11 m.

 

Âu tàu nằm giữa hai sông, vận hành tương tự như kênh đào nổi tiếng Panama. Khi có tàu vào, một bên đóng kín, bên còn lại mở cho tới khi mực nước sông cân bằng với bên trong để tàu qua, và ngược lại. Mỗi chu kỳ một tàu qua kéo dài khoảng 15 phút, trong đó 2 phút bơm nước để cân bằng phía trong và ngoài sông.

Đây là âu thuyền lớn nhất được xây dựng tại Việt Nam hiện nay.

 

Khi công trình hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho nhiều tàu chở hàng container đi qua, thay vì phải tới cảng Hải Phòng và di chuyển bằng đường bộ như hiện nay.

Cửa đóng xả phía sông Đáy nặng gần 80 tấn, được làm bằng thép theo tiêu chuẩn Nhật.

 

Khi có tàu, cửa lớn vẫn đóng và chỉ mở hai cửa xả nhỏ phía dưới. Khi nước phía trong và ngoài sông cân bằng, cửa mới mở để cho tàu qua. Ngoài ra, cửa này còn có nhiệm vụ ngăn nước mặn từ sông Đáy.

Cụm công trình kênh nối có 14 trụ neo đậu được đặt ở mỗi bên sông.

Công trình chiếm một phần đê phía sông Ninh Cơ. Giao thông đường bộ trên mặt đê được thay thế bằng một cây cầu kết cấu bêtông cốt thép, dài hơn 2,2 km, chiều cao tĩnh không 15 m.

Theo tiến độ, kênh đào sẽ đi vào hoạt động tháng 6 tới. Hiện công trường chia làm ba ca làm việc để kịp tiến độ, phần việc chủ yếu là cắt đê, đắp tôn tạo.

 

Ông Nguyễn Văn Thưởng, Giám đốc dự án, cho hay toàn bộ công trình được xây dựng bởi các kỹ sư trong nước, 90% thiết bị cũng tự sản xuất. Về mặt công nghệ không có gì đặc biệt, song việc thi công gặp nhiều khó khăn do địa chất yếu.

 

“Từng có một số vụ sạt lở khiến nhiều công nhân lo sợ. Bùn nhão, mưa nhiều khiến mỗi năm chỉ thi công được vài tháng”, ông Thưởng nói cho biết hiện mọi việc đều đã được giải quyết với tiến độ hoàn thành hơn 80%.

Ngọc Thành – Phạm Chiểu

Nguồn: Vnexpress 

Liên hệ BLL Hội Đồng Hương