T5. Th11 21st, 2024

Làng Thành An 125 năm xây dựng và phát triển

Làng Thành An giải đất miền hạ huyện Nghĩa Hưng trù phú nằm ven sông Ninh Cơ hiền hòa chở đầy ắp phù sa, mảnh đất quê hương nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với vận mệnh của dân tộc. Chặng đường 125 năm với nhiều biến động thăng trầm, hy sinh thử thách, những người con của Thành An qua nhiều thế hệ đã không ngừng phát huy truyền thống của quê hương, tích cực thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác để góp phần xây dựng làng Thành An ngày càng phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng.

Hôm nay, các thế hệ người dân làng Thành An vinh dự, tự hào và phấn khởi về với cội nguồn lịch sử quê hương, họp mặt nhân kỷ niệm 125 năm thành lập làng Thành An (1887-2012) để ôn lại truyền thống quý báu và tưởng kính tới những bậc tiền nhân đã có công dựng làng, giữ làng và xây dựng làng.

Đây chính là dịp để nhân dân làng Văn hóa Thành An thể hiện quyết tâm và trách nhiệm, biến niềm tự hào thành sức mạnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, làm cho bộ mặt kinh tế, văn hóa – xã hội của Làng phát triển toàn diện…

Theo tư liệu của Ông Cha để lại, vào thời vua Thành Thái đang trị vì đất nước (1887) cụ Trần Đức Gia là một nhà nho học quê ở Trực Mỹ đi du ngoại ngắm cảnh trời mây sông nước, dừng lại ở vùng đất nổi ven sông Lác Giang (nay là sông Ninh Cơ). Tại nơi đó có mầm non của cỏ cây và sú vẹt, báo hiệu sự sống bắt đầu. Cụ đã quyết định lập làng và vận động các cụ Đỗ Đình Thi, cụ Ngô Bá Chính, cụ Trịnh Phùng Xuân, cụ Hoàng Trung Tính và cụ Vũ Đình Đoàn, xuống đắp đê lấn biển lập nên làng Quỹ Văn do cụ Trần Đức Gia làm lý trưởng, sau một thời gian đổi tên thành làng Đạo Quỹ, cụ Lý Gia thay mặt nhân dân trong làng đưa đơn vào Triều đình ở Huế xin đổi tên thành làng Thành An. Từ đó hai từ “Thành An” được lưu truyền trong lòng mỗi người dân làng Thành An đến ngày nay.

Đến tháng 12 năm 2012 nhân dân làng Thành An có 961 khẩu, 300 hộ; trong làng có 2 tôn giáo đang cùng nhau sinh sống hòa hợp trên mảnh đất quê hương và gần hai trăm con em đang công tác và sinh sống trên khắp vùng miền của Tổ quốc…

Với 125 năm tuổi Làng đã để lại trong mỗi chúng ta sự tiến triển, biến đổi rất trân trọng và tự hào, đồng thời cũng để lại cho quê hương, cho chúng ta những bài học quý giá qua từng giai đoạn lịch sử.

Thành An những ngày đầu lập làng gồm 40 xuất đinh (mỗi xuất 6 sào), 621 mẫu ruộng canh tác, Nhân dân trong làng đoàn kết sáng tạo đắp đê ngăn mặn tạo nên cảnh làng hợp lý tiện canh, tiện cư, nhân dân sống ổn định, đường xá đi lại thuận tiện, bộ mặt nông thôn bấy giờ ngày một thay đổi, nên nhân dân ở nhiều vùng quê khác tìm về đây sinh sống, lập nghiệp.

Năm 1902 nhân dân trong làng xây dựng đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, trong đền có bức Đại tự khắc bốn chữ “Thành Chi An Chi” có nghĩa là ở đâu yên đấy và một quần thể đền, chùa được xây dựng ở đầu làng trên diện tích 4.000m2, tạo nên cảnh quan rất đẹp “Cây đa- bến nước – sân đình”. Những ngày lễ, ngày kỵ Đức Thánh Trần, nhân dân trong làng tổ chức long trọng tỏ nguyện vọng “Uống nước nhớ nguồn” và cầu cho Quốc Thái dân an.

Năm 1918 nhân dân xây dựng ngôi nhà thờ ở giữa làng trên diện tích gần 4.000m2 để từ đó mỗi buổi sáng, chiều tối tiếng chuông nhà thờ ngân vang gọi bà con giáo dân đến nhà thờ cầu nguyện cho mọi người an lành.

Nhưng rồi trong bối cảnh nước nhà bị đô hộ do thực dân phong kiến, thì cuộc sống thanh bình của làng quê không còn nữa. Trong làng lập Hội đồng hương Lý – kỳ hào để cai trị và đặt ra nhiều loại tô thuế; do sưu cao, thuế nặng, cuộc sống của nhân dân rất cơ cực, phải bán hết ruộng vườn để rồi với cảnh làm thuê, gốc mướn nên nạn đói năm 1945 đã làm cho hơn 400 người dân làng Thành An bị chết đói, có dòng họ chết gần hết, có gia đình chết hết mọi người hoặc chỉ còn một người. Tính chung làng Thành An năm 1945 chết do đói, do rét hết hơn hai phần ba dân số. Đây là một sự đau sót không thể nào quên của làng quê ta đối với chế độ thực dân phong kiến.

Tháng 8/1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Việt Minh, nhân dân làng Thành An cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy phá tan xiềng xích nô lệ; thanh niên cứu quốc của làng Thành An được thành lập và tham gia hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Nghĩa Hưng và ủy ban khởi nghĩa huyện.

Cũng trong năm 1945 tại Đình làng Thành An, lực lượng Việt Minh và đông đảo quần chúng nhân dân tổ chức họp mặt mít tinh mừng chiến thắng, tuyên bố bãi bỏ chính quyền bù nhìn, thành lập chính quyền lâm thời xã Thành An. Chính quyền cách mạng lâm thời bắt tay vào công việc giải quyết những khó khăn do chế độ cũ để lại và nạn đói khủng khiếp vừa qua.

Từ năm 1946 đến năm 1954 làng Thành An đã cung cấp sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều thanh niên đã tham gia vào Bộ đội trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong làng đã thành lập đội du kích chống càn bảo vệ nhân dân và tham gia chiếm đánh đồn bốt địch bảo vệ quê hương. Đội du kích của làng có 38 người thanh niên (cả nam và nữ), trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã có 9 người con trong làng anh dũng hy sinh (được công nhận là liệt sỹ), nhiều người là thương binh, nhiều người được nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; nhiều gia đình cách mạng được Chính phủ và Nhà nước khen thưởng. Trong kháng chiến chống Pháp, Đoàn thanh niên của làng được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Về sản xuất nông nghiệp: Tiến dần từ tổ đổi công năm 1958 lên quy mô cả làng  Thành An thành một hợp tác xã. Hợp tác xã nông nghiệp Thành An là đơn vị lá cờ đầu toàn miền bắc, xã viên hợp tác xã trong những năm kháng chiến chống Mỹ đều hòa thành mọi chỉ tiêu cung cấp lương thực, thực phẩm cho tuyền tuyến đánh tháng giặc Mỹ, vừa góp phần xây dựng CNXH ở miền bắc, làm hậu phương vững chắc cho tuyền tuyến. Năm 1965 HTXNN Thành An được đón Đ/c Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm.

Về quốc phòng an ninh: Giai đoạn này đất nước ta vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa cung cấp sức người, sức của cho giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; vừa phải chống trả máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, hàng trăm người con của quê hương Thành An, đời cha trước, đời con sau đã lần lượt gia nhập quân đội để đánh giặc. Người ở hậu phương vừa tham gia sản xuất, vừa tham gia lực lượng dân quân để đánh máy bay Mỹ xâm lược miền Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng Thành An có gần 150 người con tham gia lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và có 28 người anh dũng hy sinh trên các chiến trường; nhiều người là thương binh, bệnh binh và bị nhiễm chất độc Điôxin. Trong làng có trên hai trăm người được nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương các loại.

Về văn hóa giáo dục: Phát huy truyền thống hiếu học sẵn có trong tâm thức nhiều thế hệ người làng Thành An, nhân dân trong làng luôn quan tâm đến sự nghiệp trồng người. Tất cả con cháu đều được đi học và phấn đấu học hành tiến bộ và thành đạt. Tính đến nay, làng Thành An có gần 150 người có bằng đại học; trong đó có 4 Phó giáo sư, Tiến sỹ, nhiều người Thạc sỹ, nhiều người là lãnh đạo, giám đốc, phó giám đốc của các công ty; trưởng, phó phòng các cơ quan của nhà nước.

Con em của làng Thành An tham gia lực lượng vũ trang đều hoàn thành nhiệm vụ; nhiều đồng chí đã thành đạt và trở thành sỹ quan cao cấp trong lực lượng quân đội và trong lực lượng công an nhân dân.

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Giai đoạn 1991 đến nay, nhân dân làng Thành An đã đoàn kết một lòng, tập trung dồn sức xây dựng quê hương phát triển toàn diện, nhanh chóng.

Với sức mạnh lãnh đạo của hai Chi bộ trong làng, với 50 đảng viên, cùng cán bộ hai thôn và sự điều hành tổ chức thực hiện của Hội đồng hương ước làng gồm 7 người, các đoàn thể chính trị với ban công tác Mặt trận cơ sở đều hoạt động có tiêu chí và có sự phối hợp chặt chẽ, sự đồng thuận của 961, khẩu làng Thành An ngày một phát triển toàn diện. Năm 2000 được UBND Tỉnh Nam Định cấp bằng “Làng văn hóa”.

Năm 2004 làng Thành An được Huyện ủy-HĐND-UBND huyện Nghĩa Hưng tặng bức chướng “Làng hiếu học” và dòng họ Ngô được tặng bức chướng “Dòng họ hiếu học”.

Năm 2005 được UBND tỉnh Nam Định tặng bằng khen trong hội nghị sơ kết phong trào 5 không ở khu dân cư.

Năm 2006 được UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng bằng khen về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Năm 2007 được BCH Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen.

Năm 2010 được UBND tỉnh Nam Định tặng bằng khen.

Năm 2011 và năm 2012 được UBND huyện tặng giấy khen.

Chi bộ 17 năm liền đạt trong sạch vững mạnh xuất sắc được Huyện ủy khen thưởng.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với xây dựng cơ sở vật chất, XD NTM:

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban hương ước của làng cùng trưởng xóm tổ chức cho nhân dân học tập Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình trong xây dựng làng. Tất cả mọi việc làm trong xây dựng làng xóm đều được Chi bộ ra Nghị quyết lãnh đạo, các đoàn thể vận động nhân dân, Hội đồng hương ước làng tổ chức họp toàn dân bàn bạc cụ thể, quy định mức đóng góp và thành lập Ban xây dựng để tổ chức thực hiện; khi xong công trình tổng hợp báo cáo trước nhân dân để nhân dân phê duyệt, nên nhân dân rất phấn khởi và tin tưởng. Mỗi công trình xây dựng của làng Ban hương ước đều tổ chức viết thư khuyến gửi tới con em quê hương đang công tác và sinh sống trên mọi vùng miền của tổ quốc ủng hộ và có bảng vàng ghi công, ghi nhận sự đóng góp của mọi người.

Năm 2005 nhân dân trong làng tổ chức đổ đường bê tông lên nghĩa trang của làng với chiều dài gần 1 km, kinh phí trên 100 triệu đồng (trong đó con em trong quê hương đi công tác ủng hộ 47 triệu đồng).

Năm 2007 xây dựng công trình cổng làng văn hóa Thành An với kinh phí trên 60 triệu đồng (do con em đi công tác ủng hộ).

Năm 2009 xây dựng một nhà văn hóa với tổng kinh phí 200 triệu đồng do nhân dân đóng góp và con em quê hương đi công tác ủng hộ (có sự hỗ trợ của UBND xã)…

Thực hiện đường lối của Đảng “Cả nước chung tay xây dựng Nông thôn mới”. Làng văn hóa Thành An được Đảng ủy-UBND xã quyết định làm điểm của xã Nghĩa Phong. Thực hiện Nghị quyết chuyên đề của hai Chi bộ; Hội đồng hương ước đã tổ chức hội nghị toàn dân bàn bạc, tham gia đóng góp tiền của, công sức và hiến đất để xây dựng nông thôn mới. Trong đó nhân dân quyết nghị tôn trọng lịch sử của ông cha đã quy hoạch cách đây 125 năm, các dong trong làng đều rộng từ 7 – 8m. Trong quá trình sinh sống, các thổ cư làm ra đường bị hẹp chỉ còn 6m, nay các gia đình trả lại cho làng theo quy hoạch của ông cha trước đây để tổ chức XDNTM, hội nghị toàn dân biểu quyết 100% và giao cho Hội đồng hương ước đi đo cụ thể. Tất cả các dong được ngắm từ đầu đến cuối rộng theo quy hoạch.

Năm 2010 Ban xây dựng của làng tổ chức xây dựng 1,5km mương cứng trong làng với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 280 triệu đồng, nhân dân đóng góp 100 triệu đồng và ngày công lao động.

Năm 2011 xây nhà văn hóa tổng kinh phí 630 triệu đồng, UBND xã hỗ trợ 125 triệu đồng, con em quê hương đi công tác và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ủng hộ hơn 400 triệu đồng.

Năm 2011 tổ chức đổ đường bê tông 3,7km trong 10 dong của làng với tổng kinh phí 600 triệu đồng; Nhà nước hỗ trợ 50%, nhân dân đóng góp 50%, đường dong rộng 4-5m.

Năm 2012 tổ chức đổ bê tông 2km đường ra đồng với tổng kinh phí trên 900 triệu đồng, đường rộng 2,5m, dày 17-18cm.

Hiện nay đường trước làng thuộc tuyến đường Hồng – Hải – Đông do Nhà nước xây dựng; đoạn qua làng Thành An dài trên 800m, rộng 10,4m. Hàng cây Sấu trước làng (100 cây) do con em trong làng tặng; hàng cây xà cừ phía tây làng (70 cây) do Cha xứ Phạm Văn Quyến tặng. Tất cả các cây Hội đồng hương giao cho các gia đình chăm sóc. Sông trước làng và sông tây làng được kè đá hai bên bờ; ba chiếc cầu bê tông bắt nhịp qua sông để nhân dân đi lại. Đường làng và dong xóm đều có điện thắp sáng ban đêm; tuyến đường Hồng – Hải – Đông qua làng có 58 hộ hiến 3.000 m2 đất để nhà nước làm đường; có gia đình tiêu biểu được đi dự hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức tại Hà Nội.

Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Nghĩa Hưng về đổi mới cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ và sản xuất vụ đông trên đất hai lúa để tăng thu nhập, nâng cao đời sống của nhân dân. Đảng ủy và UBND xã Nghĩa Phong lấy làng Thành An làm điểm xây dựng cánh đồng mẫu lớn hai vụ lúa và một vụ đông trong một năm (Vụ đông chủ yếu cấy Đậu tương và Bí xanh), làng Thành An đã tổ chức cho nhân dân đi thăm quan và tổ chức họp dân, nhân dân đồng thuận nhất trí cao quyết định quy định diện tích trước làng trên Tiền đồng I là 88 mẫu để xây dựng cánh đồng mẫu lớn và tổ chức thực hiện trong năm 2013. Kế hoạch xây dựng nông thôn mới của làng văn hóa Thành An đến nay hoàn thành cơ bản các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đề ra.

Phát huy truyền thống vẻ vang 125 năm xây dựng và phát triển của làng Quỹ Văn – Đạo Quỹ – Thành An hiện nay. Nhân dân trong làng đoàn kết một lòng, luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng Thành An ngày càng giàu đẹp, vững bước đi lên con đường CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn…

Theo kỷ yếu “Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập làng Thành An (1887-2012)

Liên hệ BLL Hội Đồng Hương