T5. Th11 21st, 2024

Nghĩa Hưng bứt phá thành trung tâm kinh tế mới nhờ đầu tư hạ tầng hiện đại

Theo lộ trình Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra, đến năm 2030 xây dựng Nghĩa Hưng trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh. Đồng chí Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Thời gian qua, huyện Nghĩa Hưng đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút, bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, chú trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh”.

 

Đầu tư phát triển đồng bộ

hạ tầng kỹ thuật

 

Trong đó, hạ tầng giao thông đường bộ với hàng loạt dự án trọng điểm, có tính kết nối liên vùng đã được đẩy mạnh đầu tư, tăng thêm vị thế chiến lược, liên kết mạnh mẽ cho mạng lưới giao thông của huyện. Đầu huyện là tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng, cuối huyện là tuyến đường bộ ven biển, cùng sự kết nối của các Quốc lộ 37B, 21B, các tỉnh lộ 490, 490C, 487, 488 và các tuyến đường liên kết quan trọng như cầu Thịnh Long (vượt sông Ninh Cơ, cầu Đống Cao vượt sông Đào, 2 cầu vượt sông Đáy nối sang tỉnh Ninh Bình). Đặc biệt, hạ tầng giao thông đường thủy đã đưa vào khai thác dự án kênh nối Đáy – Ninh Cơ (Kênh, Âu tàu Nghĩa Hưng) dịp cuối tháng 7/2023 góp phần kết nối tuyến vận tải ven biển phía Bắc với các cảng thủy trên sông Đáy khu vực Nam Định, Ninh Bình qua cửa biển Lạch Giang; tạo điều kiện cho tàu chở container tải trọng 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải rút ngắn về thời gian 5 tiếng trong hành trình di chuyển từ các tỉnh ven biển đến Ninh Bình và ngược lại so với trước kia, đặc biệt là đảm bảo an toàn giao thông cho tàu thuyền đi qua kênh. Hệ thống đường điện 500kV chạy qua huyện mở ra không gian phát triển lớn cho kinh tế công nghiệp.

 

Nghĩa Hưng cũng chú trọng đầu tư các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) hiện đại. CCN Nghĩa Sơn từ khi đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động với thu nhập ổn định. KCN Dệt may Rạng Đông (Aurora IP) được quy hoạch đầu tư theo hướng xây dựng một KCN dệt may thông minh – sinh thái, khép kín quá trình sản xuất, tạo chuỗi giá trị gia tăng cao cho ngành dệt may. Hiện KCN Dệt may Rạng Đông đã được chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Rạng Đông đầu tư giai đoạn 1, với tổng diện tích trên 500ha, tổng mức đầu tư trên 4.628 tỷ đồng. Trong quá trình xây dựng KCN này, chủ đầu tư đặc biệt chú ý đáp ứng đầy đủ các yếu tố, quy chuẩn để các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng các nhà máy hạ tầng kỹ thuật cao, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của khâu dệt nhuộm. Đặc biệt, KCN Dệt may Rạng Đông được đầu tư hệ thống xử lý nước sạch 170 nghìn m3/ngày đêm và áp dụng mô hình xử lý nước thải tập trung; trong đó các nhà máy sẽ xử lý sơ bộ nước thải của đơn vị bằng hệ thống tại chỗ, sau đó đổ vào hệ thống xử lý chung của nhà máy xử lý nước thải KCN với công suất lớn thứ hai Việt Nam (công suất 110 nghìn m3/ngày đêm). Hiện KCN Minh Châu 300ha trên địa bàn các xã: Nghĩa Châu, Đồng Thịnh cũng đang trong quá trình thúc đẩy hoàn tất các thủ tục để sớm được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng. KCN Minh Châu sẽ được vận hành khai thác với tính chất là KCN đa ngành, có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường; thu hút các ngành công nghiệp theo định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh, phù hợp với định hướng phát triển Quy hoạch tỉnh Nam Định; quy mô lao động dự kiến trong khu vực quy hoạch khoảng 30 nghìn người. Huyện cũng thúc đẩy phát triển các khu dân cư, đô thị khang trang, đồng bộ về cơ sở hạ tầng, mang lại diện mạo mới cho huyện. Hệ thống thương mại và dịch vụ cũng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu giao lưu hàng hóa, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

 

“Đất lành chim đậu”

 

Nhờ hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và KCN được đầu tư đồng bộ và hiện đại, địa bàn huyện Nghĩa Hưng đã gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. KCN Dệt may Rạng Đông đã trở thành điểm sáng thu hút nhiều doanh nghiệp hàng đầu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đầu tư các dự án như: Dự án sản xuất sợi và dệt nhuộm với tổng vốn đầu tư 9 triệu USD của nhà đầu tư Jinnor (Hong Kong) Limited được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào đầu tháng 7/2024. Nhà đầu tư đang tích cực thúc đẩy tiến độ các phần việc liên quan phấn đấu tháng 10/2025 có thể hoàn tất xây dựng, đưa nhà máy vào sản xuất với tổng sản lượng bình quân một năm đạt gần 50 triệu m2 các loại vải cao cấp như sợi cotton, poly, nylon, viscose, tencel. Tháng 2/2024, nhà đầu tư Crystal Denim Textiles (BVI) Limited thuộc Tập đoàn Crystal, Hồng Kông (Trung Quốc) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án YI DA DENIM MILL (VN) CO., LTD sản xuất các sản phẩm dệt may với tổng vốn đầu tư 1.467 tỷ đồng (tương đương 60 triệu USD); dự án được phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn, với tổng công suất dự kiến đạt 55 triệu m2 vải có nhuộm, 5 triệu m2 vải không nhuộm và 20 triệu sản phẩm quần áo. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn tất đầu tư và chính thức vận hành sản xuất từ quý III/2026. Cũng theo đại diện Tập đoàn Crystal đã cam kết, tại phân kỳ nối tiếp của dự án, Tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống nhà máy may quần bò, nâng tổng vốn đầu tư đạt gần 200 triệu USD. 

 

Bên cạnh đó, tại KCN Dệt may Rạng Đông còn có các dự án đã được cấp giấy phép, đang triển khai đầu tư và sẽ sớm đi vào hoạt động như dự án nhà máy nhuộm không nước Jehong Textile Enunic do Công ty TNHH Jehong Textile Việt Nam thuộc Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư với tổng vốn hơn 6 triệu USD sản xuất vải dệt thoi và nhuộm vải hoàn tất, công suất trung bình 16,5 triệu m/năm (tương đương trên 23 nghìn m2), trong đó nhuộm vải cotton công suất 9,9 triệu m/năm và nhuộm vải polyester công suất 6,6 triệu m/năm; Dự án Sanbang Pte. Ltd (Singapore), tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD sản xuất các loại khăn, vải dệt, sợi DTY với công suất dự kiến mỗi năm đạt 15 nghìn tấn khăn, 14 triệu mét vải dệt, 15 nghìn tấn sợi DTY… 

 

Đáng kể, sự góp mặt của Tập đoàn Toray từ Nhật Bản với Công ty TNHH Top Textiles tại KCN Dệt may Rạng Đông là dấu ấn lớn cho ngành dệt may Nam Định. Ngày 13/7/2024, Công ty TNHH Top Textiles đã khánh thành, đưa nhà máy sản xuất vải Top Textiles công suất 60 triệu mét vải/năm vào hoạt động, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho khoảng 1.800 lao động tại địa phương và các vùng lân cận, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hoá của tỉnh. Với công suất vận hành 60 triệu mét vải/năm của Công ty TNHH Top Textiles ở giai đoạn hiện nay đã gấp 4 lần công suất sản xuất vải của toàn tỉnh (công suất của tỉnh hiện nay là gần 15 triệu mét vải/năm). Theo lộ trình đã đăng ký, Công ty TNHH Top Textiles tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành trong năm 2025, nâng tổng công suất sản xuất đạt 120 triệu mét vải/năm.

 

Bên cạnh đó, Tập đoàn Xuân Thiện với tầm nhìn chiến lược phát triển đa ngành đã tạo dấu ấn mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế với các dự án thủy điện, điện mặt trời và thép xanh đang tích cực thực hiện các công đoạn đầu tư Tổ hợp 3 dự án thép xanh trị giá 98.900 tỷ đồng tại khu vực Cồn Xanh. Dự án được nhà đầu tư cam kết sử dụng công nghệ từ G7/châu Âu, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường cao nhất. Dự án không chỉ tạo ra nhiều việc làm mà còn gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp cho huyện; đồng thời mở ra cơ hội thu hút đầu tư lớn vào lĩnh vực công nghiệp sạch, nâng cao uy tín của huyện và tỉnh Nam Định với các đối tác quốc tế, tạo nền tảng cho phát triển bền vững.

 

Định hướng

phát triển trong tương lai

 

Để thực hiện thành công định hướng phát triển theo tầm nhìn của tỉnh, huyện tích cực triển khai công tác quy hoạch; trong đó chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch trọng tâm: Quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Rạng Đông đến năm 2040; Quy hoạch chung khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040; Quy hoạch chi tiết đô thị Rạng Đông, khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông; Quy hoạch hai bên tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; Quy hoạch hai bên kênh nối Đáy – Ninh Cơ, tuyến đường bộ ven biển, cầu nối tuyến đường bộ ven biển sang tỉnh Ninh Bình và cầu Thịnh Long. Đặc biệt, chú trọng thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nghĩa Hưng – Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 13/8/2024. Vùng ven biển của huyện cùng với vùng ven biển Hải Hậu đang được tỉnh khẩn trương hoàn thiện Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ làm cơ sở kêu gọi và thu hút đầu tư phát triển thành trung tâm kinh tế lớn trong giao thương quốc tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và cảng biển của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Trong ranh giới Khu kinh tế Ninh Cơ, huyện Nghĩa Hưng gồm các xã, thị trấn (Nam Điền, Nghĩa Lợi, Phúc Thắng, Quỹ Nhất, Rạng Đông) và toàn bộ vùng bãi bồi ven biển phía Nam huyện. 

 

Từ nay đến năm 2030 huyện tiếp tục thu hút, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp; hình thành các vùng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển các khu, cụm, điểm thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện và lấp đầy KCN Dệt may Rạng Đông trở thành KCN dệt may đồng bộ; thúc đẩy đầu tư xây dựng, phát triển KCN Minh Châu quy mô 300ha và thành lập 5 CCN theo quy hoạch. Huyện tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh 2 vụ lúa/năm để sản xuất giống lúa và lúa chất lượng cao như Bắc thơm 7, nếp cái hoa vàng ở các xã từ Nghĩa Phong, Nghĩa Phú trở lên phía bắc huyện; hình thành các vùng chăn nuôi lớn với quy mô trên 5ha tại Hoàng Nam, Nghĩa Châu, Nghĩa Lạc, Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải, Nghĩa Lợi, Rạng Đông, Nam Điền…; hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt lớn và chuyên canh tại các khu vực đất bãi ven sông Đáy và một số đơn vị có thế mạnh phát triển như Nam Điền, Nghĩa Thắng, Rạng Đông, Nghĩa Hải, Nghĩa Lợi, Nghĩa Hùng. Huyện bố trí, phát triển hệ thống trung tâm thương mại – dịch vụ thành 2 cấp (cấp I được bố trí thành các khu chuyên dụng có năng lực phục vụ cho toàn khu vực quy hoạch vùng huyện; cấp II gắn với đô thị, phục vụ cho các khu chuyên dụng hoặc tiểu vùng). Đến năm 2030, xây dựng 1 trung tâm thương mại mới, phát triển thêm từ 2 đến 5 siêu thị tại khu kinh tế, thị trấn, thị tứ, khu đô thị mới; mở mới 2 chợ hạng III, đầu tư nâng cấp chợ thị trấn Liễu Đề và chợ thị trấn Đông Bình thành trung tâm thu hút phát luồng hàng nông sản, thủy, hải sản của địa phương. Khai thác toàn bộ diện tích rừng ngập mặn gắn với bảo vệ rừng hiện có cho phát triển du lịch với quy mô khoảng 1.700ha để xây dựng nhiều loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao ngoài trời, chữa bệnh, học tập… kết hợp với du lịch sinh thái điền dã trong khu rừng ngập mặn Cồn Mờ. Khu du lịch sinh thái cửa Đáy được quy hoạch trên cơ sở vùng bãi sông Đáy nhằm khai thác giá trị sinh thái tự nhiên, các khu vực nuôi trồng thủy sản được phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghệ hóa gắn với du lịch. Xây dựng khu du lịch sinh thái biển có diện tích khoảng 775,9ha theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực gắn với kinh tế và sinh thái biển, tạo sản phẩm du lịch biển có sức cạnh tranh trong và ngoài nước cho tỉnh Nam Định. Phát triển vùng du lịch nông nghiệp sinh thái trên địa bàn 6 xã, thị trấn: Đồng Thịnh, Hoàng Nam, Nghĩa Châu, Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn, Liễu Đề.

 

Nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư, Nghĩa Hưng đang chuyển mình mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu trở thành một trong bốn cực kinh tế trọng điểm của tỉnh Nam Định. Với tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư đúng mức, huyện đã và đang tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống người dân và đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn báo Nam Định

Liên hệ BLL Hội Đồng Hương