T5. Th11 21st, 2024

Nghĩa Hưng – Wiki

Vị trí địa lý

Nghĩa Hưng nằm lọt trong ba con sông: sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy.

Phía đông huyện Nghĩa Hưng giáp các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, phía tây giáp Kim Sơn, Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình), phía bắc giáp hai huyện Nam TrựcÝ Yên với ranh giới là ba con sông trên và phía nam giáp Biển Đông.

Diện tích và dân số

Diện tích: 250,47 km².

Dân số: 205.280 người (năm 2015), 48,9% theo đạo Thiên Chúa [cần dẫn nguồn].

Điều kiện tự nhiên

Địa hình đồng bằng. Đất phù sa màu mỡ. Sông Ninh Cơ, sông Đáy chảy qua. Có bờ biển ở phía nam huyện.

Nghĩa Hưng nằm trong vùng bờ biển thuộc vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Huyện có chiều dài bờ biển 12 km, phía tây giới hạn bởi sông Đáy, ranh giới phía đông là sông Ninh Cơ. Vùng tiếp giáp với cửa sông Ninh Cơ là các bãi cát, các đụn cát và đầm nước mặn. phía đông khu vực là các đầm nuôi trồng thuỷ sản. Dọc sông Ninh Cơ có các ruộng muối. Phía ngoài con đê chính có các bãi ngập triều với diện tích khoảng 3.500 ha. Cách bờ biển 5 km có 2 đảo cát nhỏ có diện tích 25 ha với các đụn cát và một số đầm nước mặn phí nam. Rừng phòng hộ ven biển Nghĩa Hưng (vùng chuyển tiếp thuộc các xã: Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc, Nghĩa Hải, Nghĩa Lợi; vùng sinh quyển thuộc thị trấn Rạng Đông, xã Nam Điền) đã được UNESCO đưa vào danh sách địa danh thuộc khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng.

Là một huyện thuần nhất đồng bằng ven biển, Nghĩa Hưng thuận lợi phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng.

Lịch sử

Cái tên Nghĩa Hưng vốn là tên phủ được đặt thời Lê Thánh Tông, phủ Nghĩa Hưng này nằm ở phía đông nam trấn Sơn Nam, có 4 huyện: Đại Án, Vọng Doanh (sau đổi là Phong Doanh năm 1822), Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản), Ý Yên.

Thời Bắc thuộc là huyện Đại Ác (gọi theo tên cửa biển Đại Ác hoặc Đại Nha, Ác và Nha đều có nghĩa là con quạ, tức cửa Liêu. Sử chép năm 571 Triệu Việt Vương tự vẫn ở cửa Đại Nha; năm 979 quân Chiêm Thành qua cửa Đại Ác và cửa Tiểu Khang vào đánh nước ta.

Năm Minh Đạo 3 (2-1044) Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành về qua cửa Đại Ác, cho đổi tên Đại ác làm Đại An[1].

Thời thuộc Nhà Minh đổi là huyện Đại Loan, thuộc phủ Kiến Bình.

Nhà lấy lại tên cũ là Đại An đặt thuộc phủ Nghĩa Hưng (1469).

Từ năm Gia Long thứ 2 đặt thuộc Thanh Hoa ngoại trấn (Ninh Bình), từ Gia Long 5 (1806) lại thuộc phủ Nghĩa Hưng.

Sau Cách mạng tháng Tám, phủ Nghĩa Hưng đổi thành huyện Nghĩa Hưng thuộc tỉnh Nam Định. Năm 1953, sáp nhận các xã ở phía bắc sông Đào vào huyện Ý Yên. Địa giới hành chính của huyện Nghĩa Hưng được giữ ổn định cho đến nay.

Sau năm 1954, huyện Nghĩa Hưng có 24 xã: Nghĩa Bình, Nghĩa Châu, Nghĩa Đồng, Nghĩa Hải, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hoàng, Nghĩa Hồng, Nghĩa Hùng, Nghĩa Lạc, Nghĩa Lâm, Nghĩa Lợi, Nghĩa Minh, Nghĩa Nam, Nghĩa Phong, Nghĩa Phú, Nghĩa Phúc, Nghĩa Sơn, Nghĩa Tân, Nghĩa Thái, Nghĩa Thắng, Nghĩa Thành, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Trung.

Từ năm 1965, sau khi sáp nhập tỉnh, Nghĩa Hưng thuộc tỉnh Nam Hà; từ 1975, thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (do sáp nhập thêm với Ninh Bình); từ 1991, thuộc tỉnh Nam Hà (do tách tỉnh Ninh Bình); từ 6.11.1996, trở lại tỉnh Nam Định (do tách tỉnh Hà Nam với Nam Định).

Ngày 27/8/1971, hai xã Nghĩa Hoàng và Nghĩa Nam hợp nhất thành xã Hoàng Nam.

Ngày 27/3/1978, thành lập xã Nam Điền thuộc vùng kinh tế mới.

Huyện lỵ Nghĩa Hưng trước đây đặt tại xã Nghĩa Hiệp. Ngày 13/2/1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 26-HĐBT thành lập thị trấn Liễu Đề trên cơ sở diện tích tự nhiên và dân số của xã Nghĩa Hiệp (giải thể xã Nghĩa Hiệp) và 26.8 ha diện tích tự nhiên của xã Nghĩa Trung. Huyện lỵ Nghĩa Hưng đặt tại thị trấn Liễu Đề.

Thị trấn Rạng Đông được thành lập ngày 30/6/1965 theo quyết định số 239-NV của Bộ trưởng Bộ nội vụ. Ban đầu thị trấn mang tên là thị trấn nông trường Rạng Đông. Đến ngày 13/2/1987 đổi tên thành thị trấn Rạng Đông.

Thị trấn Quỹ Nhất được thành lập ngày 19 tháng 11 năm 2007 theo quyết định số 171/2007/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở toàn bộ 546,49 ha diện tích tự nhiên và 6.274 nhân khẩu của xã Nghĩa Hoà. Thị trấn Quỹ Nhất có 546,49 ha diện tích tự nhiên và 6.274 nhân khẩu.

Hành chính

Kinh tế

Hiện nay kinh tế Nghĩa Hưng đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tiểu biểu như huyện đã cho phép xây dựng khu công nghiệp Dệt may Rang Đông có quy mô 600 ha tại thị trấn Rạng Đông và các xã lân cận tạo việc làm cho trên 100,000 lao động.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp của huyện với trồng lúa, khoai, lạc, đay, cói, nuôi vịt, lợn. Đánh bắt và chế biến hải sản, sản xuất muối,đóng tàu cũng là một tiềm năng mới.

Giao thông

Phà Đống Cao trên quốc lộ 37B nối liền Nghĩa Hưng với huyện Ý Yên

Nghĩa Hưng có quốc lộ 21B, quốc lộ 37B và các đường tỉnh lộ 55, 508, 493 chạy qua. Đây cũng là địa phương có dự án Đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh đi qua.

Nằm dài bên bờ hai sông lớn và với mạng lưới sông ngòi dày đặc, Nghĩa Hưng thuận lợi phát triển giao thông thuỷ.

Bộ tưởng Bộ Giao thông vận tải đã về kiểm tra hiện trường để phê duyệt dự án xây dựng một số cầu trên địa bàn tỉnh, trong đó có Cầu Đống Cao qua sông Đào nối liền hai huyện Nghĩa Hưng và Ý Yên.

Văn hóa – Du lịch

Ngày 6 Tết âm lịch hàng năm, ở Liễu Đề, có phiên chợ Xuân truyền thống. Ngày 7 Tết âm lịch hàng năm có chợ viềng Hải Lạng – Xã Nghĩa Thịnh.

Về du lịch, Nghĩa Hưng có khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Rạng Đông, khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, đình Hưng Lộc (xã Nghĩa Thịnh), đền chùa Hạ Kỳ (xã Nghĩa Thịnh), đền thờ Phạm Văn Nghị (xã Nghĩa Lâm), đền thờ Doãn Khuê (xã Nghĩa Thành)…

Danh nhân

Nghĩa Hưng là vùng đất sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng trong thời phong kiến. Có thể kể đến:

1. Vũ Triệt Võ (1460 – ?): Quê xã Đào Lạng, huyện Đại An nay thuộc xã Nghĩa Thái, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18(1487) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hình bộ Tả thị lang.

2. Trần Hữu Thành (1558 – ?): Quê xã Đào Lạng, huyện Đại An nay thuộc xã Nghĩa Thái, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoang giáp) khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái 2(1586) đời Mạc Mậu Hợp, được bổ chức Trấn đông tướng quân, rồi Đề hình Giám sát Ngự sử.

3. Đồng Công Viện (1681 – ?): Quê xã Hải Lạng, huyện Đại An nay là thôn Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh 8(1712) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Giám sát Ngự sử.

4. Vũ Công Tế (1687 – 1745): Quê xã Đào Khê, huyện Đại An nay thuộc xã Nghĩa Thái, đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa Mậu Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh 14 (1718) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến Tả thị lang, tước Tô Xuyên bá, thuỵ là Mặc Hiên.

5. Vũ Huy Trác (1730 – 1793): Quê xã Lộng Điền, huyện Đại An nay là thôn Lộng Điền, xã Nghĩa Đồng, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 33(1772) đời Lê Hiển Tông. Năm 1788 ông giữ chức Lễ bộ Tả thị lang, kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp, Giám quân đạo Sơn Nam. Đến thời Tây Sơn ông về quê dạy học. Ông nổi tiếng giỏi văn chương, người đường thời tôn vinh ông là “Thần phú”. Tác phẩm của ông có Giang nam lão phố thi tập, Nam Chân nhân vật khảo, Nhất thân thường hành quốc âm ca, Liêu Động di biên (chuyển thể 10 bài ca dao chữ Hán của Trần Nhật Duật thành 10 bài phú Nôm).

6. Vũ Diệm (Thế kỷ XIX): Quê xã Lộng Điền, huyện Đại An nay là thôn Lộng Điền, xã Nghĩa Đồng, đỗ Phó bảng khoa Giáp Thìn niên hiệu Thiệu Trị 4(1844), làm quan Bố chánh Hải Dương, thăng Hình bộ Tả thị lang. Sau về nghỉ. Tác phẩm của ông có Lộng Điền Vũ Tiến sĩ thi tuyển.

7. Đinh Văn Chất (1843-1887) tên chữ Giả Phu,hiệu là Trực Hiên đậu tú tài năm Tự Đức Đinh mão, đậu Hoàng Giáp Tiến sĩ năm Tự Đức Ất Hợi 1875. Sử sách ghi lại Ông quê làng KIm Khê Nghệ An nhưng cuộc đời gắn liền với vùng đất Nghĩa Hưng. Năm Hàm Nghi thứ nhất,Ông được bổ làm Tri phủ Nghĩa Hưng nổi tiếng liêm cán, tấu xét tự dân không nhiễu, gặp việc thực hành thưởng kim khánh vàng đỏ trên mặt có khắc bốn chữ ” Liêm Bình Cần Cán “. Năm 1883. Pháp chiếm được thành Nam Định, kéo binh thuyền đánh phủ Nghĩa Hưng, Ông đào hào trồng chuối bầy quân nghiêm chỉnh ngồi giữa công đường thề cùng Phủ Thành sống chết với Giặc. Quan binh Pháp tiến đánh và dụ hàng nhiều lần không được phải lui quân. Sau hưởng ứng phong trào Cần Vương, Ông chiêu tập nghĩa quân chống quân Pháp và triều đình tay sai, cuối cùng do lực lượng không cân sức cuộc khởi nghĩa thất bại, Ông bị giặc bắt và sát hại.Ngày nay để ghi nhớ công lao của Ông tại thành phố Vinh có đặt tên một con đường mang tên Ông – đường Đinh Văn Chất.

Liên hệ BLL Hội Đồng Hương