T5. Th11 21st, 2024

Nhà thờ Giáo xứ Quần Liêu – Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Xã Nghĩa Sơn là vùng đất có nhiều di tích lịch sử – văn hóa; tiêu biểu như Nhà thờ Quần Liêu, Đền Tân Liêu… Về xã Nghĩa Sơn hôm nay, du khách không chỉ được chứng kiến cảnh đẹp của một vùng nông thôn mới trù phú, phát triển mà còn được cảm nhận những giá trị văn hóa tín ngưỡng thông qua các lễ hội tại các di tích lịch sử – văn hóa ở địa phương. Với 78,9% người dân theo đạo Công giáo, trên địa bàn xã có 5 nhà thờ giáo xứ và 7 nhà thờ giáo họ đều là những ngôi thánh đường cổ có giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo.

Toàn cảnh Giáo xứ Quần Liêu

Theo quyết định số 3429/QĐ-UB ngày 12/12/2003 UBND tỉnh Nam Định đã trao bằng công nhận Nhà thờ Quần Liêu là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đây là nhà thờ duy nhất của Giáo phận Bùi Chu được công nhận di tích lịch sử văn hóa.

 

Nhà thờ Quần Liêu được xây dựng từ năm 1880; tổng thể khu di tích được chia làm 2 khu vực: phía tây là nhà thờ rộng 936m2 bao gồm: 2 cổng vào, 2 gác chuông, 2 dãy nhà hội quán; phía đông là nhà xứ rộng 11.448m2 bao gồm các hạng mục: hồ nước, nhà hội quán và nhà bếp. Cổng chính vào di tích được xây theo kiểu chồng diêm, lợp ngói mũi hài giống hệ thống tam quan ở các đền, đình, chùa cổ.

Hai bên cổng là 2 gác chuông cao 27m, xây dựng năm 1915. Nhà thờ chính mặt quay hướng nam, được xây dựng theo đồ án mặt bằng cây thánh giá với kích thước cao 13m, dài 57m, rộng 17m. Bên ngoài nhà thờ xây dựng theo lối kiến trúc giao hòa giữa Á và Âu. Bên trong công trình mang phong cách kiến trúc Á đông hiện đại; đặc biệt là lối kiến trúc thuần Việt từ những hoa văn chạm trổ tứ linh, tứ quý uốn lượn, sơn son thếp vàng lộng lẫy, mái lợp ngói ta… Tường được xây bằng gạch với hợp chất vôi, mật, muối. Trên mảng tường mặt ngoài có đắp hoạ tiết trang trí các hình kỉ hà, hoa lá… bằng chất liệu vôi trộn giấy bản, đường nét hài hoà, uyển chuyển.

Mặt trước nhà thờ xây cuốn hình chữ U, nội thất chia làm 3 phần: toà cuối, toà thánh đường và gian thánh. Gỗ lim là vật liệu chủ yếu của gian thánh đường, trong đó có 36 cột trụ lớn, cao gần chục mét; đường kính từ 35-50cm cùng hệ thống ghế ngồi 192 chiếc chia thành 4 hàng… Cùng với gian thánh đường, các hạng mục của quần thể di tích như: toà chầu, nhà hội quán, khu mộ… vẫn giữ nguyên được giá trị di tích, thu hút đông đảo du khách thập phương về tham quan, chiêm bái./.

Một số hình ảnh tại nhà thờ:

 

Nguồn: nghiason.namdinh.gov.vn

Liên hệ BLL Hội Đồng Hương