T5. Th11 21st, 2024

Phụ nữ thị trấn Quỹ Nhất gìn giữ nghề mây tre đan truyền thống

Trải
qua nhiều thăng trầm, cùng với thời gian, nghề truyền thống mây tre đan tại tổ
dân phố 5 thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định vẫn luôn được
người dân gìn giữ và phát triển, tạo dựng được giá trị kinh tế cho địa phương.

Thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng được
biết đến với làng nghề mây tre đan lâu đời ở Tổ dân phố 5. Những người dân tại
đây lớn lên bên cây tre, cây hóp trưởng thành và phát triển từ nghề đan mang
theo nhiều những câu chuyện ý nghĩa. Trong suốt những năm tháng chiến tranh
gian khổ, những vật dụng được làm từ mây tre đan như: Lơm, rổ, rá, thúng, nia,
nẹp, dần, sàng, túm bắt tép, lờ cáy, lờ rạm, lờ rốc, đó bắt tôm cá cua… luôn có
mặt trong đời sống của nhân dân khắp nơi trong thị trấn, ngoài thị trấn, ngoài
huyện, ngoài tỉnh, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc
và phục vụ miền Nam trường kỳ kháng chiến.

Do vậy mà những sản phẩm từ mây tre đan
như “hơi thở” của chính những người thợ làng nghề, trở thành 1 phần
không thể thiếu trong đời sống của nhân dân TDP 5 thị trấn Quỹ Nhất. Dù có trải
qua bao nhiêu khó khăn thăng trầm thay đổi của kinh tế thị trường, nhưng người
dân TDP 5 nơi đây vẫn quyết tâm giữ nghề, trân quý những sản phẩm mà mình làm
ra và duy trì truyền lại từ thế hệ này qua những thế hệ khác. Trải dọc hai bên
đường của TDP dẫn chúng tôi vào tới các gia đình đan mây tre đan, đó là những
bè tre nguyên liệu màu xanh biếc nằm trên mặt sông.

Gia đình hội viên phụ nữ chi hội TDP 5 bà
Nguyễn Thị Sinh trải qua các thế hệ đến nay vẫn duy trì nghề truyền thống. Ngoài
những lúc nông nhàn, bà Sinh lại ngồi đan và dạy cho con cái của mình và 1 số
chị em hội viên phụ nữ biết thêm về nghề. Đôi tay của bà thoăn thoắt, cài từng
lan tre thuần thục, vừa chặt chẽ vừa nhịp nhàng. Vừa đan, bà vừa kể với chúng
tôi những câu chuyện tuổi thơ của bà lớn lên cùng cây tre, cây hóp, cây mây: “Có
những lúc mua tre giá cao mà giá thành sản phẩm rẻ tiêu thụ chậm cũng rất khó
khăn nhưng vì tình yêu nghề, muốn giữ gìn nghề của ông cha để lại nên vẫn duy
trì cho tới bây giờ”, bà Sinh chia sẻ.

Để tạo ra những sản phẩm thủ công sắc
nét, ngoài sự tỉ mỉ kiên nhẫn, chăm chỉ, đôi bàn tay khéo léo, người thợ còn
gửi gắm vào đó cả tâm huyết của mình trong từng mối đan để mỗi thành phẩm mây
tre đan của làng khi bán ra thị trường luôn toát lên được hồn vị và bản sắc
riêng của mây tre đan Quỹ Nhất mà không bị lẫn với các sản phẩm của những địa
phương khác.

Mỗi sản phẩm mây tre đan ngoài việc đại
diện cho nét đẹp của làng nghề TDP 5 thị trấn Quỹ Nhất, các sản phẩm của những
người thợ làm ra còn phải đạt những giá trị kinh tế khi đánh bắt con tôm, con
cá, con cua, con cáy, con tép khi vào lờ đó mà không trở ra được. Từ một công
việc chỉ làm trong những lúc nông nhàn, nay lại trở thành công việc chính tạo
ra nguồn thu nhập trung bình từ 400.000 đồng/người/ngày trở lên và tăng thêm được
nhiều việc làm cho hàng trăm lao động đang sinh sống tại TDP 5, trong đó có
người già, những phụ nữ chưa có công việc ổn định và trẻ nhỏ cũng có thể làm
thêm.

Các sản phẩm như: Lờ cáy, lờ rạm, lờ
rốc, đó bắt cá tôm… với các kích cỡ khác nhau là những sản phẩm được các thị
trường các xã, thị trấn trong huyện, ngoài huyện nhất là các xã thị trấn ven
biển, ven các bờ sông Đáy, sông Ninh cơ rất ưa chuộng, tạo cơ hội việc làm cho
bà con nhân dân tại đây.

Bên cạnh đó, những năm qua Hội LHPN thị
trấn Quỹ Nhất cũng tích cực đóng góp vai trò không nhỏ trong việc động viên, giúp
đỡ những người dân TDP 5, đặc biệt là những phụ nữ chưa biết nghề có thêm công
ăn việc làm. Hội thường xuyên động viên chi em sinh hoạt theo tổ dân cư do những
người có tay nghề trong TDP chỉ dạy, giúp đỡ nguồn vốn vay từ các tổ chức tin
dụng với lãi xuất thấp để chị em phụ nữ có thêm nguồn vốn để mua nguyên vật
liệu.

Phát triển nghề truyền thống từ mây tre
đan đã phần nào cải thiện diện mạo đời sống của người dân nơi đây. Đến với chi
hội TDP 5 không khó để bắt gặp những hình ảnh người người quây quần trong nhà,
ngoài hàng phố cùng nhau đan lát. Tiếng cười nói hòa quyện với nhịp điệu sản
xuất, nghề mây tre đan bao đời nay vẫn thế, mộc mạc giản đơn đã đưa người dân
xích gần lại gần nhau. Chính những cây tre, cây hóp, cây mây đã làm nên sự gắn
kết cộng đồng chặt chẽ, tạo ra những giá trị văn hóa riêng biệt trong đời sống
văn hóa của nhân dân thị trấn Quỹ Nhất.

 

*Một
số hình ảnh nghề truyền thống mây tre đan

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai

anh tin bai
anh tin bai

BAN
THƯỜNG VỤ HLHPN THỊ TRẤN
                            

 

      

Liên hệ BLL Hội Đồng Hương